Tin tức - Sự kiện

Hội thảo khoa học: “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”

Sáng 23/7/2024, tại Hoàng thành Thăng Long, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Quang cảnh Hội thảo

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tham dự hội thảo có: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng các lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương cùng nhiềunhà khoa học. Đại biểu của thành phố Hà Nội có: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cùng đại diện lãnh nhiều đơn vị có liên quan.

Mở đầu Hội thảo, các đại biểu đã thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Sau chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. 50 năm qua, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.

Các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: CGTĐTTP

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá là: “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới” và nhấn mạnh việc “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người”; “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá”.

Tiếp tục triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội thảo “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề cơ bản như: Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua. Những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội. Những năm qua Hà Nội luôn giữ vững quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô đó là trong liên tiếp, nhiều nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Hội thảo là dịp để Đảng bộ Hà Nội có cơ hội giao lưu, trao đổi, thảo luận giới thiệu về mảnh đất, con người Thủ đô truyền thống và hiện tại. Tin tưởng rằng, với sự phối hợp chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng của các đồng chí lãnh đạo Hội Đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cuộc Hội thảo hôm nay sẽ thành công tốt đẹp và có sức lan tỏa sâu rộng, đạt được kết quả như mong muốn.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội thảo – Ảnh: CGTĐTTP

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà khoa học trình bày vắn tắt 10 tham luận trong tổng số 46 tham luận tham gia Hội thảo. Đó là: “Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong 50 năm qua (1975-2025)” của PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; “Văn hóa Thủ đô Hà Nội 50 năm thống nhất và đổi mới, hội nhập” của TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; “Xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua (1975-2025): của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trong 50 năm qua (1975-2025)” của GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá và cây dựng thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hoá” của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội…

Các ý kiến thảo luận đóng góp của các nhà khoa học tại Hội thảo “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn những thành tựu và những vấn đề đặt ra 50 năm qua trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời góp phần cho công tác hoạch định đường lối của Đảng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc trong thời gian tới.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *