Chưa được phân loại

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa”

Vừa qua, UBND quận Đống Đa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa”.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2019), Di tích Gò Đống Đa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Mặc dù về học thuật, lịch sử còn có những ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở chính xác về bản chất của Gò Đống Đa, song có một điều chắc chắn, địa danh này là minh chứng, dấu tích và biểu tượng oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta nói chung…Tại hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đã tham góp nhiều ý kiến về thực trạng của di tích, bàn giải pháp nhằm gắn liền hoạt động bảo tồn với đời sống xã hội và phát triển du lịch.

Thời gian qua, việc phát huy giá trị gò Đống Đa được thể hiện rõ nhất qua lễ hội Gò Đống Đa. Tuy nhiên, hoạt động khác và khách tham quan đến di tích trong năm hầu như không đáng kể. Ths.Lưu Ngọc Thành – Khoa Di sản văn hóa – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Hiện nay, tại khu di tích – công viên này chưa có điểm nhấn quan trọng (ngoài khu vực tượng đài Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ). Việc tạo điểm nhấn tại di tích Gò Đống Đa có thể thực hiện tại vị trí trước cổng vào và cạnh lối dẫn lên cổng miếu Trung Liệt. Điểm nhấn có thể biểu đạt bằng nội dung ngôn từ và hình ảnh phối hợp với nhau một cách hợp lý, hoa học ví dụ như biển đề “Khu di tích công viên văn hóa lịch sử Gò Đống Đa” kết hợp với hình ảnh chụp. Ths. Lưu Ngọc Thành cho biết, qua trao đổi với 10 trường hợp (cộng đồng dân sinh sống quanh di tích và khách du lịch) cho thấy, họ đều tán đồng về ý tưởng tạo điểm nhấn này để truyền thông, quảng bá”.

Bên cạnh các ý kiến khác của các nhà khoa học về bổ sung tài liệu phụ chú cho di tích, liên kết tổ chức các sự kiện, đa dạng hình thức truyền thông, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho rằng: Khi nhu cầu của khách tham quan ngày càng khó tính thì cần có một lộ trình bền bỉ và kiên trì để từng bước định hình điểm đến Gò Đống Đa. Trước mắt, quận Đống Đa có thể tập trung cho việc chỉnh trang các hạng mục di tích, nghiên cứu phục dựng lại các công trình đã từng tồn tại trong di tích như đền Trung Liệt. Cho phép tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục tại di tích. Tập trung vào các trường học phổ thông trên địa bàn quận, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiết học chuyên đề lịch sử theo chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Về lâu dài, quận cần xác định đối tượng khác tiềm năng tham quan di tích; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho di tích gồm logo và các sản phẩm đi kèm; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất quà tặng đặc trưng của di tích.

Lễ đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, để thực hiện được các giải pháp trên cần đến vai trò của nhiều chủ thể, từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn, nhà nghiên cứu, truyền thông đến cộng đồng. Cùng với đó, các nhà khoa học đã đề nghị quận Đống Đa và cơ quan quản lý văn hóa cần chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan. Đồng thời, cần chấn chỉnh lại khu vực để xe, quán nước và dịch vụ khác ở bên trong và xung quanh công viên, đặc biệt là phố Tây Sơn, khu vực cổng chính vào di tích…

Quỳnh Anh

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *