Di sản

Hội thảo khoa học “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội – Nhận diện, bảo tồn và phát triển”

Ngày 16/11/2017, tại khu di tích lịch sử văn hóa đình – đền Hào Nam, quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội và Hội di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà […]

Ngày 16/11/2017, tại khu di tích lịch sử văn hóa đình – đền Hào Nam, quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội và Hội di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội – Nhận diện, bảo tồn và phát triển”. Chủ tọa cuộc Hội thảo là GS. TS Ngô Đức Thịnh, TS. Lưu Minh Trị, Ths. Triệu Văn Hiển, Ths. Trần Quang Dũng và PGĐ Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến.

Đ/c Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Sau phần khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu của Ths. Triệu Văn Hiển, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa (DSVH) Thăng Long – Hà Nội và báo cáo đề dẫn của TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long – Hà Nội là phần trình bày tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa và các thanh đồng, thủ nhang, nghệ nhân dân gian của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hơn 10 tham luận được trình bày tại Hội thảo (trong số 25 bản tham luận mà Ban tổ chức đã nhận được) là sự đánh giá, nhìn nhận toàn diện về tín ngưỡng thờ mẫu ở Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: Thờ mẫu là tín ngưỡng dân tộc đích thực. Đây là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, từ thời nguyên thủy, nó thỏa mãn tâm lý của người nông dân cầu mong phồn thực, sự sinh sôi nảy nở. Tín ngưỡng thờ mẫu là chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa. Và tục thờ mẫu – hầu đồng – chầu văn là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo. Một số tham luận khác lại khẳng định giá trị cốt lõi của các nghi lễ trong tín ngưỡng thờ mẫu, lên đồng và xã hội đô thị hiện nay.
Lo lắng trước hiện tượng biến tướng, lệch chuẩn của tín ngưỡng thờ mẫu, hầu đồng hiện nay, một số nhà khoa học và thanh đồng như Phạm Tứ, Nguyễn Thị Thìn, Lưu Ngọc Đức …đã dẫn chứng cụ thể những hiện tượng biến tướng của hầu đồng như hầu đồng mọi lúc, mọi nơi ở các địa điểm thờ tự; bùng phát việc trình đồng, mở phủ, lợi dụng truyền phán, dọa nạt con nhang sắm to lễ vật, rải thật nhiều tiền để được nhận lộc; phẩm chất đạo đức của một số thầy đồng chưa tốt, hay lợi dụng lòng tin của nhiều người để trục lợi, ra giá mở phủ quá cao …
Một số tham luận đã đề cập cụ thể, sâu sắc về tín ngưỡng thờ mẫu trên địa bàn Hà Nội như tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Yên, Ts. Lê Minh Lý, TS. Lưu Minh Trị. Đề cập đến vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ mẫu trên địa bàn Hà Nội Ts Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long – Hà Nội đã đề cập đến vai trò của Nhà nước và cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này. Ông còn đưa ra những biện pháp cụ thể của chính quyền và cộng đồng để quản lý và giữ gìn, phát huy giá trị di sản trong đó có việc xây dựng Quy chế quản lý hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội, vai trò của MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và Hội DSVH Thăng Long – Hà Nội v.v.

Các đại biểu tham dự Hội thảo



Tham luận tại Hội thảo của các nhà khoa học
Đặc biệt, đến dự và phát biểu tại hội thảo, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khẳng định Hà Nội là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc bộ với hàng ngàn di tích là các phủ, đền, điện thờ tư gia. Có 02 câu lạc bộ tiêu biểu của những người thực hành di sản là câu lạc bộ hát văn xứ Đoài và CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội. ..Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại Hà Nội với những nét đặc trưng về lề lối, phong cách sang trọng lịch sự của các bóng đồng Hà Nội góp phần làm phong phú thêm giá trị của di sản và đang tiếp tục được lan tỏa thông qua xu hướng mở rộng không gian thực hành di sản tại các đền to phủ lớn thuộc mọi vùng miền trong nước và ngoài nước của các thanh đồng Hà thành….Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của văn hóa Hà Nội nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại thành phố Hà Nội nói riêng là công việc lâu dài, khó khăn. Thành phố Hà nội đang triển khai Chương trình hành động Quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Hà Nội sẽ ngăn chặn các hiện tượng biến tướng, mê tín, dị đoan, lãng phí trong thực hành nghi lễ Hầu đồng…
Hội thảo khoa học “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội – Nhận diện, bảo tồn và phát triển” là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động nhân Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội 2017. Liên hoan được khai mạc và tổ chức tại Đền Rừng, quận Long Biên từ ngày 09 -13 tháng 11/2017 với chủ đề Thực hành nghi lễ hầu đồng – cổ truyền và những nét đổi mới trong xã hội đương đại trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Chiều ngày 16/11/2017, tại di tích đình đền Hào Nam, quận Đống Đa đã diễn ra Lễ bế mạc Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội 2017. Tại lễ bế mạc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trao Giấy khen cho 36 tập thể, cá nhân tiêu biểu ở Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước đã có thành tích tại cuộc Liên hoan.
Thanh Quy

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích tại cuộc Liên hoan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *