Di sản – Bảo tồn

Hội thảo “Vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; cơ hội và những thách thức đối với phụ nữ trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; ứng dụng chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống; một số khuyến nghị về sự tham gia của phụ nữ; giải pháp bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Ngày 28/5, tại Hội trường UBND huyện Chương Mỹ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề (hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước). Thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã; trong đó, 268 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Duy Phong

Những năm qua, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo tồn, phát triển sản phẩm nghề truyền thống, tạo việc làm cho phụ nữ và gia đình, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền về phát triển làng nghề, vận động hội viên, phụ nữ khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, góp phần tạo dựng thương hiệu các sản phẩm của địa phương. Nhiều phụ nữ làng nghề đã trở thành nữ nghệ nhân, thợ giỏi, cống hiến tài năng, sức sáng tạo vào từng tác phẩm để gửi gắm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, thông điệp của làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hội LHPN thành phố Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tôn vinh 10 nữ nghệ nhân làng nghề, thợ giỏi, hiện đang trình UBND Thành phố 8 nữ nghệ nhân để nghị tôn vinh. Trong số gần 350 nghệ nhân làng nghề thì có 1 nữ nghệ nhân Nhân dân, 5 nữ nghệ nhân Ưu tú, 50 nữ nghệ nhân Hà Nội.

Riêng huyện Chương Mỹ có 175 làng có nghề, trong đó 35 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, với các ngành nghề như: Mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa; mộc Phù Yên, xã Trường Yên; nón lá Văn La, xã Văn Võ; đá mỹ nghệ xã Phụng Châu; chế biến nông sản thực phẩm thôn Chi Nê, xã Trung Hòa… Đặc biệt là ngành mây tre đan (chiếm tới 27/35 làng được công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống). Nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện đã khởi nghiệp thành công với các nghề truyền thống, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát triển làng nghề ở địa phương.

Các đại biểu tham quan cơ sở sản xuất mây tre đan Hân Hạnh tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa. Ảnh: Duy Phong

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; cơ hội và những thách thức đối với phụ nữ trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; ứng dụng chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống; một số khuyến nghị về sự tham gia của phụ nữ; giải pháp bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội; định hướng và giải pháp hỗ trợ nữ nghệ nhân phát triển mô hình kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu làng nghề; những thuận lợi, khó khăn trong việc quản lý, vận hành của Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống…

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá, nhìn nhận khách quan về vai trò của phụ nữ trong bảo tồn, phát triển sản phẩm nghề truyền thống; nâng cao nhận thức của tổ chức Hội và phụ nữ về bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, trong đó quan tâm đến các giải pháp phát triển mô hình phát triển kinh tế tập thể tại khu vực làng nghề góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”./.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *