Thể thao quần chúng

Hội vật cầu truyền thống đình Thúy Lĩnh

Diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng, thanh niên trong làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại trổ tài với lễ hội vật cầu cổ truyền tại đình làng…

Từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng hằng năm, thanh niên trai tráng trong làng Thúy Lĩnh lại cùng tham gia lễ hội vật cầu cổ truyền trên một sân rộng ngay bên đình Thúy Lĩnh – nơi thờ Linh Lang Đại vương. Lễ hội vật cầu có liên quan mật thiết tới hình thức luyện quân của Linh Lang Đại vương – Hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông.

Năm nay cũng vậy, diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng, thanh niên trong làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại trổ tài với lễ hội vật cầu cổ truyền tại đình làng.

hke9077-1486192487196

Thể thức thi đấu, mỗi trận vật cầu có 4 đội tham gia, mỗi đội có 2 người. Nhiệm vụ của người chơi là phối hợp cùng đồng đội tranh được quả cầu đặt ở giữa sân và mang về thả ở hố của đội mình, trong sự truy cản của các đối phương.

Vật cầu là môn thể thao rèn luyện cả trí và lực, lại mang tính hợp đồng mưu lược rất rõ. Trước kia, vật cầu chia về các giáp (xóm) trong làng, bao giờ cũng có kèm múa võ, múa kiếm và múa lân.

hke8729-1486192487146

Vật cầu là môn thể thao rèn luyện trí lực nên có đầy đủ nội dung phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, từ thiếu nhi cho đến các cụ cao tuổi trong làng. Tuy nhiên, trai tráng vẫn chiếm phần nhiều, các phần thi của họ bao giờ cũng được quan tâm đặc biệt.

Tham gia vật cầu thường có bốn đội canh bốn hố. Cầu được làm bằng gỗ mít tiện tròn. Sau khi có hiệu lệnh của trọng tài, bốn đội cùng trổ tài cướp cầu mang về hố của mình. Mỗi một lần mang được cầu về hố sẽ nhận được một giải con, ba lần liên tiếp có giải con là được giải cái (cầu không được ra đường biên, không bị đội bạn mang về hố khác). Theo lệ xưa, đội chiến thắng trong trận cầu không chỉ được tôn vinh, mà còn được người làng chúc phúc cho cả năm được may mắn và hạnh phúc.

hke8983-1486192487182

Từ năm 2013, lễ hội vật cầu truyền thống làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam được nâng lên thành Giải Vật cầu cấp quận.

Tương truyền, địa danh Thúy Lĩnh còn gọi là Thúy Ái. Trước đây, vùng đất này nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau này, nghề cũ không còn nhưng đình Thúy Lĩnh và lễ hội vật cầu truyền thống khiến nhiều người không thể quên vùng đất này.

Đình Thúy Lĩnh tọa lạc trên nền đất cao, có kết cấu kiến trúc chữ Tam, bao gồm các hạng mục công trình chính tiền tế, đại bái và hậu cung. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ khác như nghi môn, tả hữu mạc, hệ thống sân vườn tạo sự đăng đối hoàn chỉnh cho toàn bộ công trình di tích.

Theo tư liệu liên quan đến di tích đình Thúy Lĩnh, Linh Lang là con trai của vua Lý Thánh Tông và bà Hạo nương. Linh Lang sinh ngày 13 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ, lúc nhỏ là đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú, học hành thông minh. Lớn lên, Linh Lang văn võ song toàn, lại có sức khỏe hơn người. Năm Thiên cảm Thánh vũ (1044), khi ấy Linh Lang 15 tuổi, vua Chiêm Thành đem quân quấy nhiễu bờ cõi nước ta. Lúc vua Lý Thánh Tông chuẩn bị kéo đại quân đi đánh giặc, Linh Lang xin với vua cha cho đi theo. Quân triều đình đuổi đánh giặc Chiêm, giết được vua Chiêm. Vua Lý Thánh Tông khen thưởng quân sĩ, riêng với số phần thưởng của mình, Linh Lang xin với vua  cha phân phát cả cho dân. Thiện ý đó được dân hết sức cảm phục.

Sau khi Linh Lang mất, nhà vua phong cho ông tước Đại vương, ra sắc phong lập đền thờ cúng. Linh Lang đã được nhân dân Thúy Lĩnh lập đền thờ, tôn làm Thành hoàng làng và thờ trong đình làng. Hằng năm, từ ngày 4 đến mùng 6 tháng Giêng, phường Lĩnh Nam tổ chức lễ hội truyền thống và hội vật cầu, rước nước để tưởng nhớ Linh Lang Đại vương, qua đó động viên dân chúng phát huy truyền thống địa phương.

 M.A (tổng hợp)

Theo Thể thao ngày nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *