Di sản – Bảo tồn

Hơn 62 ngàn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được kiểm kê

Đó là con số được đại diện Cục di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết tại Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể châu Á – Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 6- 8/11, tại thành phố Huế.

Múa “Lục cúng hoa đăng” – một điệu múa cung đình nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn.

Với chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững”, hội nghị năm nay thu hút đại diện 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đến từ 16 quốc gia tham dự. Hội nghị do Trung tâm thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương được UNESCO bảo trợ và Trung tâm Bảo tổn di tích cố đô Huế tổ chức. Đây là hội nghị thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại Jeonju, Hàn Quốc tháng 11/2016.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục di sản Văn hóa, cho biết qua báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 63 tỉnh, thành ở Việt Nam, đã có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong số đó 271 di sản đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia qua 25 đợt công bố và 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh tại các danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, xã hội tham gia quá trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể…

Ca trù là một trong những di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.

Việc các di sản được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế đã tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt dộng bảo tồn di sản văn hóa.
Ông Thành cũng cho biết thêm, ngoài những đóng góp của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về di sản văn hóa trong nước, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài cả về cách tiếp cận, kinh nghiệm, phương pháp và nguồn lực nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò các tổ chức phi chính phủ trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương ông Kwon Huh cho biết hội nghị lần này là nền tảng để khởi xướng, mở rộng hoặc trao quyền cho mạng lưới các tổ chức phi chính phủ tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung giáo dục chất lượng, cộng đồng và mối quan hệ của những vấn đề này với việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
“Thông qua hội nghị này, chúng tôi muốn hướng đến việc xem xét công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào thành tựu của sự phát triển bền vững cộng đồng thông qua quan điểm của các tổ chức phi chính phủ,” ông Kwon Huh nói.

Thùy Anh (T/h)

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *