Gia đình

Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12/2013:

Dân số Việt Nam đạt 90 triệu người: Thành công nhờ những nỗ lực vượt bậc

Đến nay hơn 50 năm, chúng ta đã coi dân số là vấn đề của quốc gia. Đây là công việc mà 30 năm nữa, 50 năm nữa con cháu sẽ được hưởng lợi từ việc làm hôm nay.

Dân số Việt Nam đạt 90 triệu người: Thành công nhờ những nỗ lực vượt bậc 1

Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.  Ảnh: P.V

Ngay từ năm 1961, khi đất nước vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội lần thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 216-CP ngày 26 tháng 12 năm 1961 về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”. Tên quyết định rất hay là “sinh đẻ có hướng dẫn”.

Xây dựng mô hình gia đình hai con để nuôi dạy cho tốt

Dân số Việt Nam tính đến tháng 11/2013 đã đạt mốc 90 triệu người. Đây cũng là mốc đánh giá chỉ tiêu thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Qui mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020. Với việc đạt 90 triệu người vào tháng 11/2013, thì dân số trung bình của năm 2015 sẽ vào khoảng 91,5 triệu người. Như vậy chúng ta đã xuất sắc đạt mục tiêu đề ra với việc giảm được gần 1,5 triệu người sinh thêm.

Năm 1960 trung bình mỗi bà mẹ Việt Nam đẻ tới 6,4 con. Đến 2002, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về chính sách dân số, trước khi có Pháp lệnh Dân số là 2,28 con. Cách đây 8 năm, chúng ta đạt được mức sinh thay thế (tức 2,1 con trên một phụ nữ) và duy trì được trong suốt 8 năm qua. Đây là kết quả rất đáng mừng. Sự thay đổi số con trung bình của một phụ nữ (TFR) của Việt Nam thời kỳ 2001-2012, có xu hướng giảm từ 2,23 con/phụ nữ năm 2004 xuống còn 2,06 con/phụ nữ năm 2012. TFR có xu hướng giảm và đã ở dưới mức sinh thay thế vào năm 2006.

TFR giảm mạnh, ở dưới mức sinh thay thế là thành công quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đầu tiên của Chiến lược dân số và kế hoạch hoá gia đình 2001-2010. Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2012, số người bình quân một hộ là 3,7 người, của thành thị là 3,6 người và nông thôn là 3,8 người. Quy mô hộ của dân số Việt Nam liên tục giảm, năm 2001, 2003, 2005 và 2006 tương ứng là 4,5 người, 4,4 người, 4,3 người và 4,1 người. Theo điều tra năm 2010, 2011 số đó tiếp tục giảm xuống còn 3,8 người.

Mức độ sinh của Việt Nam đã thấp hơn so với mức sinh trung bình của các nước Đông Nam Á (TFR của khu vực là 2,3 con/phụ nữ). TFR của Việt Nam chỉ cao hơn hai nước Đông Nam Á là Singapore (1,2 con/phụ nữ) và Thái Lan (1,6 con/phụ nữ), nhưng thấp hơn nhiều so với các nước còn lại trong khu vực. Điều này cho thấy cuộc vận động xây dựng mô hình gia đình sinh ít con để nuôi dạy cho tốt đã thực sự đi vào cuộc sống.

Lực lượng lao động dồi dào

Việt Nam đã có được “cơ cấu dân số vàng” từ 2007. Giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” sẽ kéo dài trong khoảng 30-35 năm. Cơ cấu dân số vàng tức là ít nhất có 2 người trong tuổi lao động “nuôi” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc, như vậy có đông lực lượng lao động, ổn định nguồn nhân lực, chăm sóc được người cao tuổi và trẻ em, Quỹ bảo hiểm xã hội cũng cân bằng được.

Số liệu cho thấy, tỷ số phụ thuộc chung của nước ta có xu hướng giảm nhanh qua các năm, giảm từ 78,2% (năm 1989) xuống 63,6% (năm 1999) và 44,9% vào năm 2012. Sự giảm này chủ yếu là do hiệu quả của công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình làm giảm tỷ lệ sinh dẫn đến tỷ số phụ thuộc trẻ em giảm mạnh. Tuổi thọ tăng, người già sống lâu hơn. Những điều này chứng tỏ gánh nặng đối với dân số trong độ tuổi lao động của nước ta ngày càng giảm và nước ta đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào.

Thành tựu tiếp theo là dân số Việt Nam sống thọ hơn mặc dù chưa giàu. Năm 1960 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi, nếu tuổi thọ vẫn cứ như vậy thì ở mức ngang một số nước châu Phi (thọ trung bình 45 tuổi), nơi đang xảy ra nội chiến và đại dịch HIV/AIDS hoành hành. Hiện nay tuổi thọ bình quân dân số Việt Nam là 73 tuổi.

Trong vòng 50 năm, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng thêm 33 tuổi. Thành tựu này rất đặc biệt, trong những năm trước đây, kể cả giai đoạn đất nước đang còn nghèo khổ, chiến tranh nhiều năm nhưng bình quân mỗi năm người dân Việt Nam lại sống lâu thêm 0,6 tuổi.
 
Dân số Việt Nam đạt 90 triệu người: Thành công nhờ những nỗ lực vượt bậc 2

Đại đa số người dân đã thực hiện mô hình mỗi gia đình có 2 con để nuôi dạy trẻ chu đáo. Ảnh: P.V.

Nỗ lực giảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là số trẻ dưới 1 tuổi chết tính trên 1.000 trẻ sinh ra sống trong một năm. Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi giảm đáng kể. Đây là thành tựu của Chương trình dân số Việt Nam và cũng là mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà nước ta đã thực hiện thành công.

Tỷ suất chết bà mẹ đã giảm từ 85 trên một trăm nghìn trẻ sinh ra sống (năm 2003) xuống còn 68 trên một trăm nghìn trẻ sinh ra sống (năm 2010). Sức khỏe sinh sản/KHHGĐ được cải thiện rõ rệt. Thành tựu này của chính sách dân số trong thời gian vừa qua rất quan trọng, rất đáng tự hào. Chúng ta đạt được thành tích như vậy, là sự nỗ lực của Đảng, chính quyền, nhân dân và sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tại thời điểm 1/4/2012 đạt mức 66,6%.

Từ năm 2006 đến 2012, tỷ lệ khám thai ít nhất 1 lần đối với lần sinh cuối trên toàn quốc đã tăng thêm 5,1 điểm phần trăm. Trong đó, mức tăng ở khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị (6,0 điểm phần trăm ở khu vực nông thôn so với 1,7 điểm phần trăm ở khu vực thành thị), mặc dù tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Nghiên cứu tỷ lệ khám thai từ 3 lần trở lên đối với lần sinh cuối, cho thấy tỷ lệ này cao nhất ở vùng Đông Nam Bộ (90,4%) và thấp nhất vẫn là vùng Trung du miền núi phía Bắc (59,1%).

Việc mỗi phụ nữ từ chỗ sinh đẻ 6-7 con đến nay chỉ sinh 2 con đã  tác động mạnh mẽ đến cơ hội và thách thức dân số ở Việt Nam. Tốc độ tăng dân số đã được kiềm chế; hình thành “cơ cấu dân số vàng”; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm nhưng tỷ lệ béo phì tăng lên; mức chết bà mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi giảm nhanh nhưng còn khác biệt giữa các vùng; già hóa dân số và di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ…

Những biến đổi này đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển để chúng ta cần nhìn nhận một cách khoa học và đề ra những giải pháp tốt nhất.

Dân số ổn định – đất nước vững bền

Thực tế đã cho thấy, việc thực hiện mục tiêu “Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tiến tới ổn định qui mô dân số, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bổ dân số” trong Chiến lược DS/SKSS giai đoạn 2011-2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Chúng ta đang xây dựng Luật Dân số, trên cơ sở bài học của 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, 20 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về chính sách DS-KHHGĐ và hơn 50 năm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam.

Việt Nam cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm của quốc tế, những thành công và chưa thành công về công tác dân số, trên cơ sở thực tiễn phát triển về kinh tế – xã hội của đất nước, những dự báo về môi trường,về văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của người dân cũng như những thành tựu về khoa học công nghệ. Làm thế nào để khi nói đến công tác dân số, nói đến gia đình hạnh phúc, đất nước phát triển bền vững là nói đến lợi thế quốc gia về nhân lực cho 50 năm tới.

TS Nguyễn Quốc Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *