Tin tức - Sự kiện

Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

Chiều 10/1, Ban Dân vận Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp”.

Chủ trì Hội nghị có Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Lê Hồng Sơn.
Dự Hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có: Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể – Ban Dân Vận T.Ư Ngọ Văn Khuyến; các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tham gia Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện 30 quận, huyện, thị xã; và 579 điểm cầu xã, phường, thị trấn.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tọa đàm, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản nêu rõ, trên địa bàn toàn quốc, tính đến năm 2018, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, đã rà soát được 106.383 thôn, làng, có 99.073 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 93,1%). Trên địa bàn thành phố, tính đến tháng 7 năm 2021, đã có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.
Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, dân tộc; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.
Trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn Thành phố đã quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
Việc xây dựng các hương ước, quy ước được gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường ở cơ sở… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố cũng còn có những hạn chế cần phải được điều chỉnh, khắc phục.
“Yêu cầu bức thiết đặt ra là cần có đánh giá tổng thể vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố, đưa việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đi vào cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hoà (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Ngọc cho biết, những quy ước, hương ước đi vào cuộc sống đã góp phần bãi bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt là trong đám cưới không còn ăn uống kéo dài nhiều ngày, trong mâm cỗ không còn hiện tượng uống nhiều rượu, tác phong bê tha, các thủ tục rườm rà, cỗ bàn bày biện mời khách đông được cắt gọn. Văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách, văn minh, lịch sự, trọng tình, trọng nghĩa trong giao tiếp, ứng xử, trong đời sống xã hội ngày càng được quan tâm coi trọng.
Còn tại huyện Đan Phượng, trong những năm qua do phát huy vai trò của hương ước, quy ước mà tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đều đạt kết quả cao với trên 92%; 74/120 (đạt 61,7%) thôn, làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”; 7/9 tổ dân phố (đạt 77,8%) được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hoá”. Việc thực hiện tang văn minh tiến bộ được đưa vào trong quy ước và đông đảo nhân dân hưởng ứng thực hiện, các hủ tục cũ lạc hậu, mê tín dị đoan không còn; tỷ lệ hỏa táng năm sau đều cao hơn năm trước. Việc mừng thọ được tổ chức tập trung, trang trọng, thiết thực, không còn tình trạng khao thọ; lễ hội được tổ chức đúng quy định; giữ được nét đẹp văn hoá từng địa phương.
Tại Hội nghị tọa đàm, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước thuộc thành phố đối với xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được của việc tổ chức, thực hiện các quy ước, hương ước trên địa bàn TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, sau hội nghị tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp các ý kiến tham luận, biên soạn tài liệu để tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới cơ sở; Tham mưu cho thành phố có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong việc xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, từng cụm dân cư, phát huy vai trò của dòng họ; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với định hướng chung, đồng thời, thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, UBND các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần huy động sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cộng đồng dân cư; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện hương ước, quy ước, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cũng lưu ý, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *