Không chỉ luyện tập, biểu diễn tại địa phương mà vào mùa du lịch huyện Ba Vì, những CLB, đội cồng chiêng lại được dịp biểu diễn trước du khách, làm cho văn hóa cồng chiêng có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa.
Ở huyện Ba Vì, đồng bào dân tộc Mường sinh sống chiếm tỉ lệ lớn tại 7 xã: Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài. Dân tộc Mường có những nét văn hóa đặc sắc riêng từ phong tục tập quán, ngôn ngữ đến sinh hoạt cộng đồng, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng. Huyện Ba Vì đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong đời sống của người Mường, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Cồng chiêng là “món ăn tinh thần” đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường.
Ảnh: Diên Khánh
Do địa hình đi lại khó khăn nên từ xa xưa người Mường đã lấy âm thanh làm phương tiện truyền đạt thông tin. Vì thế, mỗi khi tiếng cồng chiêng ngân vang, người Mường dựa vào sắc thái của âm thanh mà biết được những công việc của thôn, bản để tập trung lại. Ví như, tiếng cồng đón giao thừa ngày Tết “pinh, pòng, pinh” rộn ràng, tiết tấu từ thấp đến cao vọng vào vách núi không chỉ tạo không khí rộn ràng, vui tươi, mà còn mang ý nghĩa linh thiêng mời tổ tiên Mường về ăn Tết. Tiếng cồng khai hội tưng bừng như thúc giục mọi người đến tham gia. Tiếng cồng còn là lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng… Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của người Mường ở huyện Ba Vì chú trọng cách luyến láy, có âm sắc độc đáo mang tính biểu cảm, sự chuẩn xác, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng chiêng. Cấu tạo cồng chiêng của người Mường là có núm ở giữa và được đánh bằng dùi. Cách chơi cũng khác, cồng của người Mường có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng, người chơi là phụ nữ, mặc trang phục truyền thống gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng nhiều họa tiết…
Đặc sắc là thế nhưng có một thời gian dài cồng chiêng huyện Ba Vì ít được biểu diễn, thậm chí vắng bóng trong đời sống người dân. Trước kia, hầu như gia đình Mường nào cũng có một chiếc cồng chiêng, nhiều nhất là một bộ 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sau này do chiến tranh, cuộc sống khó khăn, có người phải bán cồng chiêng đi hoặc lâu không sử dụng khiến cồng chiêng bị biến âm hoặc vỡ. Nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo này, từ năm 2012, huyện Ba Vì triển khai thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số” và đã có những đánh giá, nghiên cứu về bản sắc văn hóa ở 7 xã miền núi. Mỗi xã được đầu tư 3 bộ cồng chiêng, những hạt nhân văn nghệ của các xã được cử đi tập huấn, giao lưu, các đội, câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng được thành lập và người dân cũng ý thức hơn trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Ba Vì luôn được gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Năm 2020, Phòng Dân tộc huyện Ba Vì đã tham mưu cho UBND huyện mua 3 bộ cồng chiêng chuẩn tặng cho các CLB ở xã Ba Trại, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, nâng tổng số thôn có bộ cồng chiêng lên 24/76 thôn có người Mường sinh sống tập trung. Ngoài việc hỗ trợ các bộ cồng chiêng chuẩn, huyện cũng mở các lớp dạy âm nhạc cồng chiêng cho các xã.
Tập huấn cồng chiêng nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Mường.
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Ba Vì
Hiện nay, xã Ba Trại đã thành lập và duy trì hoạt động của 3 CLB cồng chiêng, mỗi CLB thu hút hơn 20 thành viên. Nhiều thôn của xã Minh Quang như thôn Lặt, Di, Cốc Đồng Tâm đều có đội cồng chiêng. Đội cồng chiêng thôn Ðồng Chay (xã Vân Hòa) cũng tập hợp được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Các nghệ nhân yêu tiếng cồng chiêng như bà Đinh Thị Lan (Xã Ba Trại), ông Đinh Hữu Tiến (xã Vân Hòa), ông Đinh Ngọc Dần (xã Minh Quang)… đang tích cực truyền dạy về tiết tấu, âm hưởng của tiếng chiêng, khơi lại lời hát ví, hát đối, các bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Mường cho lớp kế cận. Hàng năm, các xã đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao trong những ngày hội của người Mường, giao lưu vào các dịp kỷ niệm, ngày hội các dân tộc Việt Nam… Không chỉ luyện tập, biểu diễn tại địa phương mà vào mùa du lịch huyện Ba Vì, những CLB, đội cồng chiêng lại được dịp biểu diễn trước du khách, làm cho văn hóa cồng chiêng có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa.
Nhờ sự nỗ lực của huyện Ba Vì trong việc khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc nên tiếng cồng chiêng mang âm hưởng cuộc sống của đồng bào Mường mãi ngân vang trên miền quê núi Tản, sông Đà.
Mai Chi