Nếp Sống văn hoá

Huyện Ba Vì đẩy mạnh việc tang văn minh

Ba Vì là một huyện miền núi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có phong tục, tập quán về tang khác nhau. Nhiều phong tục nay đã lạc hậu, bởi nghi thức rườm rà, vì vậy việc tuyên truyền nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì thực hiện việc tang văn minh là việc mà huyện Ba Vì đã làm nhiều năm qua.

Lan tỏa việc tang văn minh

Huyện ủy Ba Vì đã có riêng Nghị quyết 02 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, mừng thọ và lễ hội, trong đó chọn xã Minh Châu là địa phương làm điểm. Trước đây, mỗi gia đình có người qua đời thường mổ từ 1 – 4 con lợn làm cỗ nhưng đến nay đã cắt giảm phần lớn ăn uống, tiết kiệm được từ 5 – 10 triệu đồng. Đáng chú ý, đa phần các đám tang đã xóa bỏ các thủ tục rườm rà như bắc cầu, đội mũ rơm, lăn đường, chèo đò…

Từ Minh Châu đã lan tỏa việc tang văn minh đến các xã trong huyện. Vì vậy việc tổ chức lễ tang trên địa bàn huyện Ba Vì thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc nhiều người dân chọn hình thức hỏa táng đối với người chết sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang tập trung. Đây là hình thức mai táng văn minh, vừa giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí vừa giúp bảo vệ môi trường mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Kết quả cho thấy, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng được người dân đồng thuận, ủng hộ, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí, lan tỏa nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn huyện Ba Vì. Nếu như trước năm 2010 khi thành phố chưa có chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, tỷ lệ người dân huyện Ba Vì lựa chọn hình thức hỏa táng trong tổ chức tang lễ còn rất thấp chiếm khoảng dưới 1% số người chết, thì từ khi ủy ban nhân dân thành phố dành kinh phí để hỗ trợ người dân thực hiện chính sách khuyến khích hỏa táng tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn huyện Ba Vì tăng dần qua các năm, cụ thể năm 2015 là 427 ca, chiếm tỷ lệ 36,61%, năm 2017 là 661 ca, chiếm tỷ lệ 44.3%; năm 2018 số ca hỏa táng của toàn huyện là 750 ca chiếm tỷ lệ 47,6%, nay là 51,9%.

Những địa phương có tỷ lệ hỏa táng cao như: xã Phú Phương 88%, xã Phú Cường 84%, xã Sơn Đà 74%, xã Tòng Bạt 71%, xã Ba Trại 70%…Từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ hỏa táng ở các địa phương tiếp tục tăng. Cùng với đó, trên địa bàn huyện Ba Vì có 01 cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang Vĩnh Hằng do công ty Cổ phần Ao Vua đầu tư quản lý (hoạt động từ tháng 11/2014), hiện có 06 lò hỏa táng hoạt động với công suất 90 ca hỏa táng/ ngày đêm. Đây là điều kiện thuận lợi nâng cao việc áp dụng hình thức hỏa táng cho người chết trên địa bàn.

Khuyến khích hỏa táng

Bên cạnh những kết quả đạt được, có một số địa phương trên địa bàn huyện có tỷ lệ người dân chọn hình thức hỏa táng còn hạn chế như xã Ba Vì không có trường hợp nào trong 3 năm qua, xã Chu Minh, xã Phú Đông tỷ lệ hỏa táng thấp.

Để làm tốt hơn nữa việc thực hiện hiệu quả việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ, thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục triển khai thực hiện phù hợp, có hiệu quả nhiệm vụ được giao tại quyết định số 2282/QĐ- TTg ngày 26/11/2013 của thủ tướng chính phủ; quyết định số 03/2017/QĐ- UBND ngày 10/02/2017 của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phấn đấu đến cuối năm 2020 người dân huyện Ba Vì cơ bản áp dụng hình thức hỏa táng cho người chết đạt từ 55% trở lên, đến năm 2025 tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng đạt 70% trở lên. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì sẽ hỗ trợ 01 triệu đồng/ trường hợp sau khi chết được đưa đi hỏa táng ngoài mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại quyết định số 03/2017/QĐ- UBND ngày 10/2/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thời gian hỗ trợ: từ 01/01/2020 đến 31/12/2020 và tiếp tục có điều chỉnh thời gian, mức hỗ trợ khi thành phố có văn bản ra hạn thời gian thực hiện. Đối tượng hỗ trợ gồm toàn bộ người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Ba Vì khi chết sử dụng hình thức hỏa táng tại các cơ sở hỏa táng của thành phố Hà Nội.

Với hướng đi này, chắc chắn chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng tiếp tục được người dân huyện Ba Vì đồng thuận, ủng hộ và thực hiện, góp phần tiết kiệm chi phí, lan tỏa nếp sống văn minh trong việc tang.

Thu Quỳnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *