Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, huyện Đan Phượng đã đạt được những kết quả tích cực, nổi bật, trong đó có xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và chuẩn mực người Hà Nội.
Trước tiên, huyện đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô và các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, khai thác sử dụng 130 nhà văn hoá thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Năm 2021 toàn huyện có 39.843/43.309 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 92%; 80/120 làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa (66,7%); 7/9 tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa (77,8%), 80% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 11/15 xã đạt Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (73,3%). Đến năm 2023, toàn huyện có 92,5% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so năm 2021); 113/120 làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa (đạt 94,2%, tăng 27,5% so năm 2021); 8/9 tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa (đạt 88,9%, tăng 11,1% so năm 2021); 85,4% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (tăng 5,4% so năm 2021).
Huyện Đan Phượng cũng tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện “Ứng xử văn hóa trong cơ quan, cuộc sống hàng ngày, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp”, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện. Chú trọng khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn gia đình truyền thống phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ việc học tập và làm theo Bác đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, có sức lan tỏa trong cuộc sống, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động cũng như trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc tại các đơn vị.
Đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung triển khai thực hiện 2 Quy tắc ứng xử gắn với các phong trào thi đua bằng những việc làm thiết thực như: Đảm nhận vệ sinh môi trường các công trình công cộng, tham gia công tác tự quản các tuyến đường, các di tích văn hóa, lịch sử… Cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được triển khai sâu rộng, huy động nguồn xã hội hóa được hơn 38 tỷ đồng chỉnh trang, làm đẹp thôn, tổ dân phố. Việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ có nhiều chuyển biến, các hủ tục dần được xóa bỏ. Năm 2021, tỷ lệ hoả táng đạt 63,77%; năm 2022, tỷ lệ hoả táng đạt 69,73%; năm 2023, tỷ lệ hoả táng đạt 71,27%. Tính đến ngày 25/7/2024, tỷ lệ hoả táng đạt 73,15%; ước thực hiện năm 2024: 74%. Nhiều xã đạt tỷ lệ hỏa táng cao như Liên Trung, Liên Hà, Tân lập, Thị trấn Phùng, Thọ Xuân…
Năm 2024, huyện Đan Phượng cũng triển khai thực hiện tốt “Năm trật tự văn minh đô thị” và “Năm kỷ cương hành chính”. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, xây dựng nếp sống văn minh công sở, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Huyện đã kiểm tra đối với 482 lượt cơ quan, đơn vị về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên đề cải cách hành chính, kiểm tra công vụ. Kết quả cho thấy các đơn vị cơ bản chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức. Các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được duy trì đẩy mạnh như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo”; Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”; Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; xây dựng gia đình “5 không 3 sạch, “5 có, 3 sạch”. phong trào “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào sáng kiến kinh nghiệm, các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động An sinh xã hội và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đã góp phần tích cực vào việc hình thành văn hóa ứng xử của người dân, duy trì tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn trật tự văn minh đô thị…
Hà Phương