Di sản – Bảo tồn

Huyện Gia Lâm giữ gìn, phát huy giá trị di sản

Huyện Gia Lâm đã đầu tư 1.055 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 77 di tích, trong đó vốn ngân sách là 669 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là 325,1 tỷ đồng…

Huyện Gia Lâm có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 169 di tích đã được xếp hạng các cấp. Tiêu biểu như Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng thờ đức Thánh Gióng (gồm 10 điểm), đền thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan (xã Dương Xá), chùa Báo Ân – Nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành trước khi Ngài lên Yên Tử… Những năm qua, song song với phát triển kinh tế – xã hội, huyện Gia Lâm đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Cụm di tích đền – chùa Bà Tấm 

HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định về lĩnh vực quản lý di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tiêu biểu như: Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020”, Đề án “Nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025”… với nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đạt được kết quả nổi bật.

Từ năm 2012 đến nay, huyện đã triển khai nghiêm túc việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Trên địa bàn huyện có 50 di tích được xếp hạng cấp Thành phố; 1 di tích nâng cấp xếp hạng Di tích Quốc gia đặt biệt, 10 Điểm lưu niệm sự kiện các mạng kháng chiến. Hiện nay, tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn gồm: 1 cụm Di tích quốc gia đặc biệt gồm 10 điểm; 64 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp thành phố, 19 Điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Huyện đã rà soát, lập hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện theo quy định.

Công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích được quan tâm; huyện đã đầu tư 1.055 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 77 di tích, trong đó vốn ngân sách là 669 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là 325,1 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo đối với 25 di tích xuống cấp (tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng). Tại 218 di tích đã thực hiện kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật.

Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan

Huyện đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với: Lễ hội đình Chử Xá (lễ hội Chử Đồng Tử, xã Văn Đức), nghề gốm sứ làng Bát Tràng  (xã Bát Tràng), Nghề thủ công truyền thống quỳ, vàng, bạc Kiêu Kỵ. Lập hồ sơ đề nghị và được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với 2 nhóm gồm 3 hiện vật tại Khu di tích Đền – Chùa bà Tấm, xã Dương Xá.

Để giữ gìn, phát huy giá trị di sản, huyện đã tổ chức thành công 5 cuộc liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm tôn vinh “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị lịch sử văn hóa đình Chử Xá – Định hướng tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị”; phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội biên soạn và xuất bản cuốn sách “Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và sự tri ân của hậu thế”; biên soạn và phát hành cuốn “Gia Lâm – Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hóa”; thực hiện số hóa tư liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại xã Bát Tràng để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với du lịch; khai trương Cổng thông tin điện tử Bát Tràng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa để quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa, du lịch Bát Tràng đến du khách trong nước và quốc tế.

Để triển khai hiệu quả công tác quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm phấn đấu có thêm 2 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 di tích xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; 2 di tích Quốc gia; 20 di tích cấp Thành phố. Huyện cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”. Nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa. Thường xuyên kiện toàn Ban quản lý di tích xã, thị trấn, Tiểu ban quản lý di tích thôn, tổ dân phố khi có sự thay đổi. Sử dụng công  nghệ 4.0 để tư liệu hóa lễ hội, di tích tiêu biểu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước kết hợp nguồn vốn xã hội hóa thực hiện công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng…

Ngọc Anh  

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *