Với phương châm nhanh hơn một bước, cao hơn một mức để phòng, chống dịch, mô hình “Vùng xanh” an toàn tại các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức mang lại sự yên tâm cho người lao động, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp; góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn.
Huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong đó 12 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, đó là: Bánh kẹo – Dệt kim La Phù; Chế biến nông sản xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Đức Giang; Xây dựng dịch vụ – Chế biến nông sản xã Yên Sở… Sản phẩm từ các làng nghề được tiêu thụ trên toàn quốc và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh có đăng ký ở các làng nghề, 17.400 hộ có nghề sản xuất phụ, chiếm khoảng 40,5% số hộ trong toàn huyện. Làng nghề phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh lần thứ 4, toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, Công điện số 18, 19 của UBND Thành phố, hoạt động sản xuất của các làng nghề trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Xã Minh Khai bảo vệ “Vùng xanh” an toàn cho làng nghề.
(Ảnh: Phượng Nguyễn)
Để tạo điều kiện cho các làng nghề duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa thiết yếu nhằm đạt mục tiêu trong mọi hoàn cảnh, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, UBND huyện và các xã, thị trấn đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình nghiêm túc triển khai xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”, đảm bảo nguyên tắc 5K trong mọi hoạt động. Công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc 5K cả trong và sau giờ làm việc; test nhanh COVID-19 hàng tuần đối với lái xe, người vận chuyển bốc dỡ hàng hóa; duy trì nghiêm ngặt phòng, chống dịch theo yêu cầu; xây dựng lộ trình, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Trên địa bàn huyện cũng thành lập 373 Tổ an toàn COVID-19 nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Huyện đã thành lập được 102 “Vùng xanh” tại 20 xã, thị trấn. Người dân được phép duy trì hoạt động sản xuất nhưng phải đảm bảo giãn cách và dưới sự giám sát, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Cùng với đó, huyện thành lập các Tổ công tác trong chỉ đạo, tiếp nhận thông tin, tổ chức cung cầu các mặt hàng nhu yếu phẩm để chủ động điều tiết trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 17, Công điện số 18, 19 của UBND Thành phố…
“Vùng xanh” tại xã Đông La. (Ảnh: Trần Thụ)
Với phương châm nhanh hơn một bước, cao hơn một mức để phòng, chống dịch, mô hình “Vùng xanh” an toàn tại các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức mang lại sự yên tâm cho người lao động, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Đây cũng là mô hình góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn.
Mai Chi