Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội tổ chức khảo sát việc triển khai thực hiện cuộc vận động tại huyện Hoài Đức. Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Vũ Hồng Khanh phát biểu khai mạc Phát biểu […]
Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội tổ chức khảo sát việc triển khai thực hiện cuộc vận động tại huyện Hoài Đức.
Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Vũ Hồng Khanh phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi khảo sát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) Thành phố Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, bên cạnh việc nắm kết quả mà huyện Hoài Đức đạt được khi thực hiện CVĐ trong năm 2017, đoàn khảo mong muốn được lắng nghe, cùng bàn bạc, trao đổi về hạn chế, những vấn đề vướng mắc, khó khăn khi triển khai CVĐ tại địa bàn; những tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo CVĐ Thành phố nhằm nâng cao hơn chất lượng thực hiện CVĐ trong thời gian tới.
Báo cáo đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Dư cho biết, năm 2017, Ban chỉ đạo CVĐ huyện Hoài Đức đã phối hợp với các cấp chính quyền, các phòng ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CVĐ. Huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc mua sắm, sử dụng hàng hóa, các trang thiết bị được sản xuất trong nước; vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức: cổ động trực quan, trên hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn, qua các hội nghị, hội thảo, Hội nghị đại biểu nhân dân… Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện trong mỗi chương trình thời sự hàng ngày đều dành từ 3-5 phút để tuyên truyền các nội dung của CVĐ. Trong năm 2017, Trung tâm đã phát 452 tin, bài về CVĐ. Toàn huyện đã tổ chức 48 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về CVĐ. Qua các hình thức tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về CVĐ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Hoài Đức Lương Thị Nga phát biểu ý kiến
Hiện nay, huyện Hoài Đức có nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn như: Rau sạch Tiền Yên; đồ thờ Sơn Đồng, miến dong Minh Dương, Dương Liễu, cam Canh, phật thủ Đắc Sở, hoa lan Đông La…Để CVĐ đạt hiệu quả thiết thực, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh kết nối cung cầu, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Tiêu biểu như Hội chợ Xuân 2017 với quy mô 60 gian hàng; hội chợ Thanh niên với 36 gian hàng; hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng với hơn 100 gian hàng; tổ chức 18 chuyến đưa hàng Việt về các khu dân cư; tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống và nông sản chất lượng cao năm 2017 do Hội Nông dân Thành phố tổ chức…
Phát biểu tại buổi khảo sát của Ban chỉ đạo CVĐ Thành phố, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đoàn Thị Thư cho biết, Hội đã tích cực triển khai CVĐ tới cán bộ, hội viên trên địa bàn. Trong năm 2017, Hội LHPN huyện tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền, hưởng ứng CVĐ; thành lập được 3 Chi hội “Thay đổi hành vi”, trong tiêu dùng; tổ chức hội nghị “Người tiêu dùng thông thái” để tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ưu tiên sử dụng hàng Việt trong cuộc sống, sinh họat hàng ngày. Để CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu, Hội đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng tiêu dùng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe do Việt Nam sản xuất đảm bảo chất lượng, được cán bộ, hội viên phụ nữ đánh giá cao.
Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, các ý kiến đóng góp còn thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ. Đó là sự phối hợp giữa các ngành, các đơn vị và doanh nghiệp trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn có mặt hạn chế; chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ; hoạt động xúc tiến thương mại chưa tích cực, thiếu đồng bộ; việc thông tin đến người tiêu dùng để nhận biết và lựa chọn khi mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam, cách phân biệt hàng thật- hàng giả chưa kịp thời, chưa rộng rãi, thường xuyên.
Phát biểu kết luận, Trưởng ban chỉ đạo CVĐ Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, huyện Hoài Đức đã triển khai nhiều biện pháp đưa CVĐ vào cuộc sống. Các ý kiến đóng góp của đại diện các ban ngành, đoàn thể huyện Hoài Đức đã tập trung vào các vấn đề mà đoàn khảo sát đưa ra. Trong thời gian tới, huyện cần tiếp tục tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Song song với việc tập trung tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm hàng hóa do trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng phải tuyên truyền về tác hại của những sản phẩm không đạt chất lượng; lên án các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Với lợi thế của một huyện có nhiều làng nghề (52/54 làng có nghề), Hoài Đức cần phát triển, nhân rộng các mô hình điển hình, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; tôn vinh các doanh nghiệp, sản phẩm tiêu biểu, chất lượng cao, sản phẩm thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Minh Huệ
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm