“Gia đình hiện đại và các kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình” là chủ đề của chương trình Toạ đàm do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quốc Oai phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức ngày 21/6 nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đồng chí Hoàng Nguyên Ưng nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường hình thành và giáo dục nhân cách con người. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc không chỉ là quyền và trách nhiệm của các thành viên trong mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong thời kỳ mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 72, lấy ngày 28/6 là Ngày gia đình Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nguyên Ưng tin rằng buổi Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề “Gia đình hiện đại và các kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình” sẽ là cẩm nang quý báu giúp cho đội ngũ làm công tác gia đình trên địa bàn huyện đưa ra được nhiều giải pháp, cách làm hay nhằm giúp cho mỗi gia đình đều trở thành mắt xích quan trọng, vững chắc trong việc xây dựng xã hội hạnh phúc.
Các đại biểu tham dự buổi toạ đàm đã được nghe Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền – Phó trưởng Khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ Nữ Việt Nam giới thiệu chuyên đề “Gia đình hiện đại và các kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình” với các nội dung như: đề cao vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hạnh phúc gia đình, kỹ năng sống và làm việc; các vấn đề liên quan đến cách ứng xử giữa vợ chồng, con cái và cách nuôi dạy con, lựa chọn nghề nghiệp cho con… Đồng thời, các gia đình cũng cần quan tâm đến tiêu chí giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình; trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong việc tạo ra sự phát triển bền vững của gia đình; cách dung hòa các mối quan hệ trong gia đình nhiều thế hệ (đặc biệt gia đình tứ đại đồng đường); vai trò của gia đình truyền thống trong thời đại hiện nay; mẫu số chung cho việc gìn giữ gia đình hạnh phúc; gìn giữ giá trị cốt lõi của gia đình, xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình hạnh phúc…
Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền: Xây dựng hạnh phúc là mục tiêu hướng đến của mỗi gia đình. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, mọi người phải ý thức được gia đình là rất quan trọng, chỉ khi đó mới biết nâng niu, gìn giữ. Nếu người ta nhận thức được hôn nhân quan trọng như thế nào thì chắc chắn trong cuộc sống vợ chồng dù có xô lệch, bất đồng nhưng vẫn sẽ cùng nhau tìm cách khắc phục…
Thông qua việc tổ chức toạ đàm “Gia đình hiện đại và các kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình”, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong huyện việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Đồng thời, tuyên truyền đến mọi người dân trên địa bàn huyện thông điệp “gia đình ấm no, xã hội hạnh phúc”; hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau bằng những hành động thiết thực đem lại hạnh phúc cho tất cả các thành viên trong gia đình, tạo sự lan tỏa, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.
Hưng Liên (t/h)