Văn hóa cơ sở

Huyện Sóc Sơn xây dựng nông thôn mới

Là một huyện  miền núi của Thành phố, qua 5 năm nỗ lực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Diện mạo nông […]

Là một huyện  miền núi của Thành phố, qua 5 năm nỗ lực thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn, đời sống nông dân đã ngày càng khởi sắc.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng bưởi ngọt tại xã Phú Cường

                                                                                                 Ảnh: Hoàng Hương

Trước khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện có 7 xã đạt 5 – 10 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đặc biệt có 3 xã chưa đạt tiêu chí nào. Trước tình hình đó, bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, lãnh đạo, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM.  Đặc biệt, huyện đã tổ chức tham quan, học tập mô hình điểm ở trong và ngoài thành phố cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến các thôn, làng và đại diện các hộ dân. Qua đó, nâng cao ý thức, nhận thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình trong xây dựng NTM. Tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” đã được nhân dân trên địa bàn thấm nhuần, biến thành những việc làm thiết thực. Với quyết tâm chung sức xây dựng NTM, nhân dân trong huyện Sóc Sơn đã hiến hơn 8 nghìn m đất thổ cư, đất vườn trị giá hơn 64 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng đường giao thông thôn xóm trong khu dân cư và giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ công tác dồn điền đổi thửa.

Tính đến năm 2016, huyện Sóc Sơn cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch sản xuất-  đây được xác định là khâu đột phá và là thành tựu nổi bật trong sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 10,8 nghìn ha, vượt kế hoạch thành phố giao. Số diện tích đất dôi dư là 965ha đất để bổ sung cho quỹ đất công, tạo điều kiện để quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi tại địa phương. Sau khi dồn điền đổi thửa, tình hình sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, hạ tầng kinh tế nông thôn được tăng cường đầu tư, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên rõ rệt. Trên địa bàn huyện đã có 5 nhãn hiệu nông sản được công nhận, giá trị kinh tế đạt cao, khoảng 350-400 triệu đồng/ha canh tác như: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Bắc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn…

Người dân Sóc Sơn tích cực dồn điền đổi thửa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động   Ảnh:  Hiền Hòa

 Tính đến hết năm 2016, toàn huyện Sóc Sơn đã có 15/25 xã đạt chuẩn NTM, hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… điều kiện nhà ở, điện nước sinh hoạt của nhân dân được bảo đảm. 10/25 xã còn lại đạt từ 14-17 tiêu chí. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 29,8 triệu đồng/năm ( tăng 11,8 triệu so với năm 2010). Công tác  y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng cao. Toàn huyện không còn nhà dột nát, 90% số hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội khu vực nông thôn được đảm bảo.

Từ nay đến năm 2020, huyện Sóc Sơn sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái để nhằm mục tiêu sản xuất hàng hóa, với sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và có khả năng cạnh tranh cao. Giá trị tăng trưởng của khu vực kinh tế nông nghiệp phấn đấu đạt 2,5%-3%/năm. Để đạt đươc mục tiêu, huyện sẽ có các chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết 4 nhà tạo thành các chuỗi sản xuất, cơ chế hỗ trợ về thuê đất, vay vốn. Từ đó sẽ tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tạo niềm tin cho nông dân và thúc đẩy sản xuất. Đồng thời xây dựng hạ tầng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch an toàn với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông thôn ổn định, đời sống nông dân không ngừng được nâng cao.

Nguyễn Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *