Bộ sách “Địa chí Thanh Oai” được triển khai nghiên cứu và biên soạn theo hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành, khu vực học, khảo cổ học gắn với phát triển khoa học. Bộ sách sách gồm 4 quyển với tổng số trên 1.000 trang, cùng các hình ảnh tư liệu tiêu biểu được sưu tầm, chọn lọc.
Chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chuẩn bị đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Oai đã phát hành bộ sách “Địa chí Thanh Oai”.
Địa danh huyện Thanh Oai được ra đời ở triều Lý Cao Tông năm 1207, trong khoảng thời gian gần một thiên niên kỷ, địa bàn huyện Thanh Oai có nhiều biến động về địa dư quản lý hành chính theo từng thời gian và tiến trình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Song, dù ở bất kỳ thời đại lịch sử nào thì vùng đất Thanh Oai luôn là một địa bàn có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, có bề dày bản sắc văn hóa, có truyền thống hiếu học và là quê hương kiên cường cách mạng. Để ghi nhớ công lao to lớn của cha ông, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho mỗi người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng, khích lệ các thế hệ mai sau tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc…huyện Thanh Oai đã phát hành bộ sách “Địa chí Thanh Oai”.
Quang cảnh Hội nghị phát hành bộ sách “Địa chí Thanh Oai”.
Bộ sách “Địa chí Thanh Oai” được triển khai nghiên cứu và biên soạn theo hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành, khu vực học, khảo cổ học gắn với phát triển khoa học. Bộ sách sách gồm 4 quyển với tổng số trên 1.000 trang, cùng các hình ảnh tư liệu tiêu biểu được sưu tầm, chọn lọc. Trong đó:
Quyển 1: Địa lý – Dân cư, gồm Lời nhà xuất bản, lời giới thiệu, lời nói đầu và 4 chương: Địa lý Tự nhiên; Địa lý hành chính; Lược chí xã, thị trấn; Dân cư, dân số, lao động.
Quyển 2: Lịch sử, gồm 5 chương: Vùng đất Thanh Oai thời kỳ tiền – Sơ sử; Vùng đất Thanh Oai thời kỳ Bắc thuộc đến cuối thế kỷ XIX; Thanh Oai cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1884-1954); Thanh Oai trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975); Thanh Oai từ năm 1975 đến năm 2020.
Quyển 3: Kinh tế, gồm 2 chương: Kinh tế Thanh Oai những năm 1954-1986; Kinh tế Thanh Oai thời kỳ đổi mới.
Quyển 4: Văn hóa, gồm 8 chương; tổng luận và các phụ lục. Trong đó:
Chương I. Văn hóa đời sống; chương II. Tín ngưỡng tôn giáo; chương III. Phong tục tập quán; chương IV. Giáo dục, y tế và thể thao; chươngV. Văn học; chương VI. Nghệ thuật; chương VII. Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng; chương VIII. Nhân vật lịch sử, văn hóa huyện Thanh Oai.
Để hoàn thành bộ sách “Địa chí Thanh Oai” – ấn phẩm kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng phong phú hơn 800 năm ra đời và phát triển của huyện, sau gần 5 năm, Ban Chỉ đạo sưu tầm, biên soạn và tổ giúp việc đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, biên soạn triển khai thực hiện kế hoạch từ việc xây dựng bảng hỏi gửi các xã, thị trấn đến việc xây dựng đề cương, tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào đề cương và đã tổ chức 6 Hội thảo khoa học đóng góp vào sách “Địa chí Thanh Oai”.
Khen thưởng các tập thể có thành tích trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn bộ sách “Địa chí Thanh Oai”. (Ảnh: Văn Thanh)
Bộ sách là công trình khoa học xã hội và nhân văn tổng hợp đầu tiên của huyện mang tính bách khoa toàn thư, ghi chép một cách tương đối toàn diện về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và con người huyện Thanh Oai theo suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển cùng đất nước và dân tộc, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người Thanh Oai gắn với phát triển du lịch; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào về quê hương, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của huyện, cũng như quảng bá hình ảnh Thanh Oai, xây dựng huyện Thanh Oai ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngọc Trâm