Chưa được phân loại

Huyện Thanh Trì đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa

Với cách làm sáng tạo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Thanh Trì đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống tinh thần, phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần gắn bó trong các tầng lớp Nhân dân.

Múa Bồng ở Triều Khúc (xã Tân Triều). Ảnh: Lê Bích.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực ở các xã, thị trấn của huyện Thanh Trì. Một trong những điểm sáng của huyện là thôn 2 xã Yên Mỹ với tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ và phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi. Đội văn nghệ của thôn có 60 thành viên, có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động của thôn, của xã. Hơn 20 năm nay, Nhân dân thôn Yên Mỹ đã đi đầu trong thực hiện việc cưới, việc tang văn minh khi không sử dụng thuốc lá, không ăn uống nhiều ngày, loại bỏ nhiều hủ tục. Là vùng đất bãi, Yên Mỹ còn “nổi tiếng” bởi đây là địa phương duy nhất của huyện Thanh Trì xây dựng Nhà truyền thống. Với diện tích 150m2 , Nhà truyền thống trưng bày  hàng nghìn hiện vật, hình ảnh về lịch sử, văn hóa của làng cũng như những dụng cụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, các vật dụng sinh hoạt tiêu biểu cho nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Đây là địa điểm có tác dụng giáo dục về lịch sử, văn hóa thiết thực với Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Có đời sống kinh tế khá phát triển, xã Tứ Hiệp còn là điểm sáng văn hóa của huyện với phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Xã có 5 nhà văn hóa thôn, 1 Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã. Với sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân, xã đã giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa dân gian đó là múa Sênh tiền và múa Rồng tại thôn Đồng Trì và Cổ Điển A. Không chỉ nổi tiếng ở xã, đội múa Sênh tiền của thôn Đồng Trì còn được mời đến trình diễn ở nhiều lễ hội, liên hoan của huyện và nhận được nhiều lời khen ngợi. Người dân thôn Cổ Điển A đã duy trì điệu múa Rồng trong nhiều năm qua. Các thành viên của đội tích cực luyện tập, đem đến những màn trình diễn với kỹ thuật cao, cuốn hút người xem. Để giữ gìn, phát huy giá trị của múa Rồng, thôn đã tổ chức đội múa Rồng “nhí” nhằm truyền dạy nghệ thuật độc đáo này cho các thế hệ trẻ.  Với  sự đầu tư nhiều công sức, tâm huyết của các diễn viên không chuyên, 2 điệu múa đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, được Nhân dân khen ngợi, đón đợi.

Lấy sức dân để chăm lo cho dân là cách làm đúng ở thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi trong thực hiện phong trào. Chi ủy, cán bộ thôn đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp hơn 400 triệu đồng cùng nhiều ngày công để cải tạo sân chơi cộng đồng cũng như mua sắm trang thiết bị luyện tập thể dục thể thao. Qua hơn 1 năm đưa vào sử dụng, công trình đã trở thành “điểm hẹn” thu hút đông đảo Nhân dân đến luyện tập, vui chơi, cùng trò chuyện, chia sẻ giúp tăng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Thời gian qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Thanh Trì đã thực sự lan tỏa sâu rộng, thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Để thúc đẩy hơn nữa các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, huyện Thanh Trì đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay toàn huyện có 88 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố; 3 trung tâm văn hóa thể thao gồm 1 trung tâm văn hóa thể thao huyện và 2 trung tâm văn hóa thể thao xã; có 24 sân vận động cấp xã, 12 sân bóng đá mini. Hằng năm hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được tu sửa, nâng cấp, bảo đảm hoạt động hiệu quả, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với đó, huyện Thanh Trì cũng đặc biệt quan tâm đến giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Huyện đã khôi phục các điệu múa dân gian như múa Rồng, múa Bồng, múa Sư tử, múa Sênh tiền, múa Chạy cờ… qua đó làm đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Việc xây dựng  các danh hiệu văn hóa như: Gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa cũng có những chuyển biến rõ nét. Điều đáng mừng là đám tang ở các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được tổ chức văn minh tiến bộ, với tỷ lệ hỏa táng đạt gần 65%.

Với nhiều điểm sáng, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Thanh Trì đã thu được những kết quả tích cực trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, khơi dậy phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa… ngày càng sôi nổi, thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, đưa Thanh Trì vững bước lên quận.

Tâm Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *