Xác định tầm quan trọng của di tích trong đời sống, những năm qua, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, huyện Thanh Trì đã rất quan tâm đến công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.
Huyện Thanh Trì có 153 di tích, trong đó có 64 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 22 di tích xếp hạng cấp Thành phố, 67 di tích chưa xếp hạng. Năm 2019 và đầu năm 2020, huyện đã hoàn tất hồ sơ tu bổ 5 di tích với kinh phí đầu tư 39,4 tỷ đồng (nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là 4,5 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa). Thanh Trì là vùng đất địa linh nhân liệt, do vậy, trong hệ thống di tích của huyện có rất nhiều di tích gắn với các danh nhân, đã trở thành điểm đến của du khách gần xa như: Di tích Lịch sử địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) tại thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi; nhà thờ các tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia, xã Tân Triều; đình Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, thờ Bà Tía (nữ tướng của Hai Bà Trưng); đình Triều Khúc, xã Tân Triều, thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng…Gắn với các di tích, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 46 lễ hội, trong đó có 6 lễ hội chính (lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, lễ hội xã Vạn Phúc, Yên Mỹ, Đông Mỹ, Thanh Liệt,Tứ Hiệp), còn lại là hội lệ. Các di tích, lễ hội đó vừa là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của huyện trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di tích.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì và xã Ngọc Hồi đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Thành phố cho Di tích Lịch sử địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi mùa Xuân Kỷ Dậu do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao tặng.
Để giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, nhiều năm qua, huyện Thanh Trì đã chú trọng công tác tập huấn công tác quản lý di tích, lễ hội cho lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cán bộ văn hóa thông tin các xã, thị trấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Ban quản lý di tích xã, thôn. Qua đó, cung cấp cho những người làm công tác văn hóa cơ sở, những người trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý di tích, tổ chức lễ hội tại địa phương những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cơ bản góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả công việc. Hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác quản lý di tích, lễ hội trên địa bàn: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy di tích; quản lý, sử dụng tiền công đức; đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành…Mỗi năm, huyện thành lập 2 đoàn kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kip thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm khác.
Cùng với đó, huyện tích cực tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của di tích, lễ hội và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định trong tổ chức lễ hội, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Mỗi năm, Đài Truyền thanh huyện thực hiện 40-50 tin, bài giới thiệu về di tích, lễ hội. Qua đó, góp phần làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; nâng cao ý nghĩa, truyền thống tốt đẹp của các di tích, lễ hội.
Phương đình, một kiến trúc độc đáo của đình Triều Khúc. (Ảnh: Phương Anh)
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID – 19, huyện Thanh Trì đã kịp thời ban hành văn bản về phòng, chống dịch trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch tại các di tích. Các di tích chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ cũng như Thành phố trong phòng, chống dịch bệnh.
Với những biện pháp đồng bộ, các di tích, lễ hội trên địa bàn huyện Thanh Trì được tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị trong đời sống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân cũng như thể hiện nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Điều đáng mừng là các lễ hội đều nêu bật được ý nghĩa và giá trị văn hóa đặc sắc, tôn vinh công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng, tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống, hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống… thu hút đông đảo Nhân dân, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Trong hành trình phấn đấu trở thành quận vào năm 2025, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục quan tâm giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử các di tích.
Nguyễn Minh