Văn hóa cơ sở

Huyện Thanh Trì: Hơn 200  cán bộ Văn hóa – Thông tin được nâng cao kỹ năng, kiến thức trong thực hiện chuyển đổi số

Hội nghị giúp đội ngũ cán bộ Văn hóa – Thông tin trên địa bàn củng cố kiến thức chuyên môn, nhằm nâng cao hiểu biết nhận thức về chuyển đổi số để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng khu dân cư thực hiện chuyển đổi số ở cơ sở, để sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và người làm công tác thông tin cơ sở các cấp nắm vững và nghiêm túc triển khai thực hiện, vừa qua, UBND huyện Thanh Trì tổ chức Hội nghị triển khai, thực hiện Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở; Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đối với công tác Văn hóa – Thông tin cơ sở trên địa bàn.

Quang cảnh Hội nghị

Ảnh: Phương Xuyến

Tại Hội nghị, trên 200 cán bộ Văn hóa – Thông tin cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Trì đã được nghe Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hòa – Giám đốc chương trình đào tạo Văn hóa học – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giới thiệu một số quy định mới của Nghị định số 49/2024 của Chính phủ so với Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg và các cách làm mới để đạt mục tiêu chuyển đổi số trong thông tin cơ sở. Nghị định 49/2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, gồm 4 chương, 43 điều. Nghị định này điều chỉnh về hoạt động thông tin cơ sở; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin cơ sở. Đối tượng áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin cơ sở. Theo nghị định 49, hoạt động thông tin cơ sở theo 8 loại hình, gồm: đài truyền thanh cấp xã; bảng tin công cộng; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; tuyên truyền trên cổng hoặc trang thông tin điện tử; tuyên truyền qua mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin trên Internet; tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hòa trao đổi tại Hội nghị

Ảnh: Phương Xuyến

Điểm mới của Nghị định 49 quy định về đài truyền thanh cấp xã. Theo đó, Đài truyền thanh cấp xã là phương tiện thông tin, tuyên truyền được thiết lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền do UBND cấp xã trực tiếp quản lý. Đài truyền thanh cấp xã sản xuất và phát các chương trình phát thanh tự sản xuất; phát các thông báo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phát các chương trình phát thanh của cấp huyện sản xuất theo khung giờ, lịch phát sóng định kỳ hoặc trong trường hợp khẩn cấp do UBND cấp huyện quyết định. Phát các chương trình phát thanh tiếp nhận từ hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở Trung ương và hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở cấp tỉnh, các chương trình phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của cấp tỉnh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Việc triển khai thực hiện Nghị định số 49/2024 của Chính phủ nhằm mở rộng không gian phát triển, phát huy sức mạnh của thông tin cơ sở, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ nòng cốt của các thôn, tổ dân phố củng cố kiến thức chuyên môn, nhằm nâng cao hiểu biết nhận thức về chuyển đổi số để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng khu dân cư thực hiện chuyển đổi số ở cơ sở, để sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Minh Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *