Huyện Thanh Trì đã ban hành bộ Tiêu chí đánh giá chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn với mục đích thực hiện hiệu quả công tác quản lý chợ và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Từ năm 2021, huyện Thanh Trì đã triển khai mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Huyện Thanh Trì đã ban hành bộ Tiêu chí đánh giá chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn với mục đích thực hiện hiệu quả công tác quản lý chợ và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Huyện chọn chợ Thanh Liệt triển khai mô hình thí điểm thực hành bộ tiêu chí trên. Chợ Thanh Liệt có diện tích 4.155m2, được bố trí thành các khu, gồm: 32 ki ốt kinh doanh các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, thuốc, giày dép, tạp hóa, gạo; 120 quầy hàng kinh doanh các mặt hàng hoa quả tươi, rau xanh, thịt, gia cầm, thủy sản… Để xây dựng chợ văn minh thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm, Công ty TNHH An Long – đơn vị quản lý kinh doanh, khai thác chợ Thanh Liệt, đã tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về việc bán theo đúng ngành hàng quy định, yêu cầu không bán phá giá và hàng hóa phải bảo đảm chất lượng. Theo đó, tại chợ Thanh Liệt, lối đi trong chợ rộng rãi, sạch sẽ, người dân đi lại không phải chen lấn. Hàng hóa được sắp xếp theo từng khu. Các quầy hàng đều có mã QR để khách hàng có thể thanh toán trực tuyến. Việc buôn bán trong chợ thuận lợi hơn.
Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại chợ Thanh Liệt
Ảnh Thanh Hồng
Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình chợ văn minh thương mại ở Thanh Liệt đã phát huy rõ hiệu quả. Vì vậy, huyện Thanh Trì đã tiếp tục nhân rộng mô hình này ở 4 chợ khác là: Quỳnh Đô, Cầu Bươu, Tứ Hiệp và Yên Xá.
Hàng hóa trong các của hàng ở chợ Cầu Bươu được bố trí gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo không gian thông thoáng
Ảnh: Minh Ngọc
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, huyện có 22 chợ (trong đó có 2 chợ hạng 1 và 20 chợ hạng 3), 2 chợ tạm tại thôn Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai), thôn Triều Khúc (xã Tân Triều) và 5 điểm họp chợ tại các thôn. Việc hình thành mạng lưới chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tất cả các chợ đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy; 100% các hộ tiểu thương ký cam kết kinh doanh hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật và văn minh thương mại cho các tiểu thương; ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, buôn bán; tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần… Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động của các chợ về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy; phát động phong trào thi đua giữa các hộ kinh doanh trong thực hiện tốt các tiêu chí chợ văn minh thương mại…
Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm, giao thương của người dân.
Việc thực hiện mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh; xây dựng hình ảnh đẹp của các tiểu thương, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện thành công hơn nữa việc đưa bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố vào đời sống.
An Ngọc