Văn hóa cơ sở

Huyện Thanh Trì: Xây dựng NTM phải gắn với mục tiêu đô thị văn minh

HNP – Sáng 11/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội, do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu, đã kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng […]

HNP – Sáng 11/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội, do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu, đã kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020” tại huyện Thanh Trì. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng rau thủy canh tại xã Yên Mỹ

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, huyện Thanh Trì xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, chính vì thế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2015, toàn bộ 15/15 xã  đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, đây là một trong số ít địa phương trên địa bàn Hà Nội không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Ngày 2/8 vừa qua, huyện đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thống nhất 100% để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020.
Trong những năm qua, cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở thì nâng cao đời sống cho người dân nông thôn được huyện Thanh Trì hết sức chú trọng. Ngay sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, huyện đã quy hoạch phát triển bốn vùng sản xuất tập trung: Lúa chất lượng cao (354ha) tại các xã Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Đại Áng; rau an toàn và VietGAP (192ha) tại 2 xã Yên Mỹ, Duyên Hà; vùng trồng cây ăn quả (150ha) tại xã Vạn Phúc và vùng nuôi trồng thủy sản (194ha) tại các xã Đại Áng, Đông Mỹ. Cùng với đó, huyện tập trung cấp GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho bà con nông dân, đến tháng 10/2016 đã hoàn thành 100%, vượt tiến độ 2 tháng so với yêu cầu của Thành phố.
Huyện Thanh Trì cũng là một trong những địa phương đi đầu trong hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hàng năm, huyện dành trung bình khoảng 5 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất. Đặc biệt, huyện đã hỗ trợ 60% chi phí để triển khai thí điểm mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.800m2 tại xã Yên Mỹ, bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Tính đến nay, giá trị sản xuất trung bình hiện đã đạt trên 170 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân của bà con nông dân trên địa bàn huyện liên tục tăng, năm 2016 đạt gần 36 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, trồng cây và hoa ven đường tại xã Yên Mỹ
Đặc biệt, cùng với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nông dân, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường cũng là điểm nhấn, kết quả ấn tượng mà huyện Thanh Trì đã đạt được những năm qua. Đến nay, toàn huyện đã tiến hành kè cứng 14 ao, hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nạo vét, kè bờ, xây dựng lan can, đường đi bộ và bố trí ghế đá ven ao hồ, tạo khu vui chơi cộng đồng. Đáng chú ý, huyện Thanh Trì là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội có Nghị quyết chuyên đề số 07 và Kế hoạch số 141, tập trung chỉ đạo toàn huyện ra quân tổng vệ sinh, trồng và chăm sóc vườn hoa cây xanh… vào sáng thứ 7 hàng tuần, nhằm tạo không gian sống xanh, cảnh quan môi trường sạch – đẹp.
Đáng chú ý, tháng 5/2017, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Trì đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Kết quả cho thấy, có tới 94,2% tổng số người dân được hỏi bày tỏ sự hài lòng với kết quả xây dựng NTM của địa phương. Cũng chính vì thế, trong 1 năm qua, toàn huyện đã huy động được trên 22 tỷ đồng nguồn lực xã hội cho công tác xây dựng NTM.
Sau khi đi kiểm tra thực tế các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thí điểm mô hình trồng rau thủy canh tại xã Yên Mỹ, công tác vệ sinh môi trường, trồng hoa làm sạch đẹp đường phố tại xã Tứ Hiệp và chuỗi cửa hàng giới thiệu và cung ứng nông sản an toàn của huyện… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, với nhiều đổi mới, sáng tạo, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm nên đã tạo sự đồng thuận và huy động sức dân cùng chung tay triển khai, duy trì các hạng mục xây dựng NTM, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kết luận buổi làm việc
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng hoan nghênh huyện Thanh Trì là địa phương đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng mô hình thí điểm sản xuất rau thủy canh theo định hướng của Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM Thành phố là mỗi huyện có ít nhất 1 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, việc huy động nhân dân cùng tham gia bảo vệ ao hồ, sông ngòi, trồng và chăm hoa ven đường để tạo dựng cảnh quan môi trường khu dân cư rất đáng biểu dương và nhân rộng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị từ huyện đến xã phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt để người dân chung sức, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt, trong định hướng phát triển Thủ đô, huyện Thanh Trì được quy hoạch là khu đô thị trung tâm mở rộng, do đó, huyện cần định hướng xây dựng NTM phải gắn với phát triển đô thị văn minh để quá trình chuyển đổi sau này từ xã lên phường, từ huyện lên quận được thuận lợi.
Cùng với đó, ngay từ bây giờ, huyện phải làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng để dự phòng quỹ đất cho phát triển. Tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí về môi trường gắn với đảm bảo trật tư, văn minh đô thị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh: Công tác xây dựng NTM cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và xuyên suốt. Trong thời gian tới, đòi hỏi huyện và các xã triển khai với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao hơn và phải đi vào thực chất. Cùng với đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện cần chú trọng nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mở rộng các vùng chuyên canh để tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống cho người dân nông thôn một cách bền vững.
Theo Cổng GTĐT TP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *