Công tác chi trả cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch và đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ; góp phần chia sẻ, động viên các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc…
Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã có những quyết sách linh hoạt để khoanh vùng, ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhất là những đối tượng khó khăn do dịch bệnh.
Việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh được huyện Thường Tín thực hiện đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch
Ảnh: Xuân Tiến
Thời gian qua, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện ổn định cuộc sống trước những tác động của dịch COVID-19, huyện Thường Tín đã thực hiện tốt việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND Thành phố và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội.
Huyện Thường Tín đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách số đối tượng thuộc diện hỗ trợ với phương châm thực hiện rà soát một cách đầy đủ theo đúng quy định, đảm bảo không để sót đối tượng. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, huyện Thường Tín đã rà soát, thống kê, lập danh sách 18.726 đối tượng trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng do dịch bệnh để hỗ trợ: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ đối với người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế (F0, F1) đã trở về địa phương, tại trung tâm cách ly trên đại bàn huyện; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do); hộ kinh doanh. Huyện đã thực hiện chi hỗ trợ cho 3.105 đối tượng với tổng số tiền trên 2 tỷ 648 triệu 195 nghìn đồng.
Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, huyện Thường Tín đã rà soát, thống kê, lập danh sách 17.302 hộ, cá nhân thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Trong đó có 11.413 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội; 2.818 người có công với cách mạng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 2.051 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 100 người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 100 người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 500 người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg và 320 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, huyện Thường Tín đã duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 16 tỷ 282 triệu đồng cho 16.282 hộ, cá nhân thuộc các nhóm đối tượng trên. Mỗi đối tượng được nhận hỗ trợ 1.000.000đ.
Bên cạnh đó việc chi trả hỗ trợ từ ngân sách, huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ các đối tượng hộ cận nghèo, hộ khó khăn, lao động tự do ngoại tỉnh gặp khó khăn bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí của huyện và xã hội hóa… Tính đến hết 18/9/2021, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 3.000 đối tượng với tổng số tiền 1 tỷ đồng.
Công tác chi trả cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch và đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ. Qua đó góp phần chia sẻ, động viên các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Tương thân tương ái”, qua đó phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Nguyễn Công