Nghề trồng đào, hoa cây cảnh tại Đông Thai, xã Vân Tảo góp phần đưa cuộc sống người dân ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại những khởi sắc cho diện mạo nông thôn vùng đất này.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao Bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Thành phố năm 2023.
Năm 2023, Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội 2023-2024 đã tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp, xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình UBND Thành phố phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai.
Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, Làng nghề trồng Đào, cây cảnh thôn Đông Thai, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín được công nhận là Làng nghề truyền thống Hà Nội.
Một sản phẩm của làng nghề Đông Thai
Ảnh: Vũ Cường
Các cụ cao niên kể rằng, thôn Đông Thai được hình thành cách đây hơn 400 năm. Riêng về nghề trồng đào, cây cảnh của làng Đông Thai được hình thành cách đây 62 năm, thời kỳ đầu cụ Bùi Văn Bằng người tại thôn cùng với các cụ Nguyễn Văn Khiết và cụ Nguyễn Văn Thoa (ở thôn Nội Thôn) là những người đầu tiên mang những cây đào về trồng tại xã Vân Tảo, hướng dẫn người dân cách chăm sóc đào, ghép đào, cho đào ra hoa vào đúng dịp Tết…
Theo thời gian nghề trồng đào, hoa cây cảnh tại Đông Thai càng lúc càng phát triển nhanh, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, nghề trồng cây đào và trồng hoa cây cảnh đã thu hút đa phần người dân của thôn Đông Thai.
Được biết, những cây giống nổi tiếng của địa phương gồm: Đào mắt nâu, nâu xù, bích phai, đào bích cổ, đào ghép… cùng với sự phát triển của nghề trồng đào, cây cảnh của địa phương cũng đã mở rộng ra nhiều loại đào, cây cảnh mới như đào Thất thốn, đào Tuyết, cây sanh, cây cảnh công trình…
Hằng năm, làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 1.000 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân lao động từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, hoa đào đã góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại những khởi sắc cho diện mạo nông thôn vùng đất này.
Thực hiện kế hoạch của Hội đồng OCOP Thành phố về việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023, Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch đề ra. Trong đó, có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao. Huyện Thường Tín có 3 sản phẩm cây xanh đạt chứng nhận sản phẩm OCCOP 4 sao là: Cây xanh dáng trực, cây xanh dáng xiêu, cây vạn niên tùng dáng xiêu của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân.
Cây xanh dáng xiêu của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân được Thành phố công nhận sản phẩm 4 sao
Như vậy, hiện nay, toàn Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề, chiếm 27,48% tổng sản phẩm OCOP toàn Thành phố.
Đồng thời, toàn Thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao và trở thành điểm sáng, đi đầu cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.
Đức Bình