Mỗi xã, thị trấn có đủ 3 trường (mầm non, tiểu học, THCS), toàn huyện có 50 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, đội ngũ giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, số lượng học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước (năm học 2015 – 2016 có […]
Mỗi xã, thị trấn có đủ 3 trường (mầm non, tiểu học, THCS), toàn huyện có 50 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, đội ngũ giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, số lượng học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước (năm học 2015 – 2016 có 1.893 học sinh giỏi cấp huyện; 75 học sinh giỏi cấp thành phố; 2 học sinh giỏi Quốc gia)… đó là những kết quả nổi bật của huyện Thường Tín trong thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Huyện Thường Tín tuyên dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục- đào tạo năm 2016
Thời gian qua, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ đối với giáo dục và đào tạo của huyện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; Phát triển các cơ sở giáo dục cân đối về cơ cấu và quy mô, đa dạng về hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của các tầng lớp nhân dân, hướng tới xây dựng xã hội học tập, trong thời gian vừa qua, huyện Thường Tín đã rất quan tâm và tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Quy mô giáo dục và đào tạo huyện Thường Tín tiếp tục ổn định và có bước phát triển ở các ngành học, cấp học. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư, xây dựng theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Hết năm 2016, toàn huyện Thường Tín có 50 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt 56,8% (Mầm non 12 trường, đạt tỷ lệ 41,3%; Tiểu học 18 trường, đạt tỷ lệ 62,1%; THCS 20 trường, đạt tỷ lệ 66,7%).
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thường xuyên được bổ sung đủ về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng, cơ bản có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Toàn huyện hiện có 3.762 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trình độ đào tạo: Mầm non đạt chuẩn 100%, vượt chuẩn 55,3%; Tiểu học đạt chuẩn 100%, vượt chuẩn 90,2%; THCS đạt chuẩn 100%, vượt chuẩn 60,8%. 18 cán bộ, giáo viên được hưởng lương giáo viên Trung học cao cấp. Công tác quản lý và chỉ đạo của ngành tiếp tục đổi mới. Công tác thi và tuyển sinh có chuyển biến căn bản và đạt kết quả tốt. Hiện nay, hệ thống giáo dục huyện Thường Tín các cấp (mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên) được xây dựng và phát triển cả về quy mô và chất lượng. 28 xã, 1 thị trấn trấn đều có đủ 3 trường (mầm non, tiểu học, THCS). Toàn huyện có 5 trường THPT, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, 29 trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2014, huyện được công nhận hoàn thành phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; 100% xã, thị trấn đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 29 xã, thị trấn đạt phổ cập đúng độ tuổi mức độ 3, huyện đạt phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; phổ cập THCS mức độ 2, cơ bản đạt các tiêu chí phổ cập bậc trung học.
Trường Mầm non Thắng Lợi đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1
Chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện có những tiến bộ rõ nét. Tính đến năm học 2015-2016, toàn huyện có 51.444 học sinh (trong đó, Mầm non 17.553 học sinh; Tiểu học 20.231 học sinh; THCS 13.360 học sinh). Số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp không ngừng được nâng cao. Năm học 2013 – 2014 toàn huyện có 2.111 học sinh giỏi cấp huyện; 67 học sinh giỏi cấp thành phố Năm học 2015 – 2016 có 1.893 học sinh giỏi cấp huyện; 75 học sinh giỏi cấp thành phố; 2 học sinh giỏi Quốc gia.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Thường Tín đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học nhà trẻ đạt trên 40%, trẻ mẫu giáo đạt 97% trở lên, 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo; quan tâm đến trẻ em khuyết tật; 100% trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục. Duy trì và giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục. Tỷ lệ thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11-14 tuổi) đạt 100%; 100% giáo viên tiểu học, THCS và 50% giáo viên mầm non có trình độ đào tạo chuyên môn từ Cao đẳng và Đại học trở lên; 100% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn trên chuẩn, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên và được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý; 100% giáo viên đứng lớp dạy đúng môn học theo chuyên ngành đào tạo. Phấn đấu đến năm 2020, số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt 95% và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%; trên 75% trường học đạt chuẩn Quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tuyển chọn cán bộ quản lý, giáo viên giỏi trong đó ưu tiên giáo viên cấp thành phố, cấp Quốc gia về công tác tại phòng và các nhà trường. Tiếp tục thực hiện việc đánh giá phân loại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng lộ trình bồi dưỡng nghiệp vụ và năng lực chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý; Đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh theo hướng coi trọng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường, tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể, tổ chức các câu lạc bộ học sinh, tích hợp các nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống trong các môn học để bồi dưỡng cho học sinh kiến thức về pháp luật, kiến thức xã hội cần thiết và kỹ năng sống hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Đồng thời, huyện tiếp tục nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, phụ huynh, học sinh của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Xây dựng cơ chế, quy chế tạo điều kiện để xã hội, phụ huynh, học sinh tham gia giám sát, đánh giá công tác quản lý, tổ chức hoạt động và chất lượng hiệu quả của từng cơ sở giáo dục – đào tạo…
Nguyễn Công