Huyện Ứng Hòa sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo đảm phục vụ Nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương…
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị nơi thờ tự; giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện đồng thời đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống và nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo các cấp, ngày 04/01/2023, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về tổ chức và quản lý lễ hội năm 2023.
Không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí (Ảnh minh họa). Ảnh: Kiều Trang
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các lễ hội tổ chức năm 2023 phải thành lập, kiện toàn Ban Tổ chức lễ hội, thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố. Không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của Nhân dân và ngân sách địa phương; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội; Nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như: Bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; Cấm các hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội; Không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội; Nghiêm cấm tổ chức trò chơi có tính chất đánh bạc dưới mọi hình thức.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế đốt vàng, mã, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, hình thức. Niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại những điểm có lễ hội diễn ra để du khách thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tham quan di tích, dự lễ hội biết và thực hiện. Tiếp tục tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng dịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh
Đối với các xã có lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô lớn trong năm 2023 và qua các tuyến đường, trục giao thông chính phải thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội để chỉ đạo, quản lý, tổ chức và điều hành lễ hội đúng Quy chế phù hợp với quy mô tổ chức lễ hội, cam kết không để xảy ra những hiện tượng phản cảm trong lễ hội; Xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội báo cáo UBND huyện (qua Phòng Văn hóa và Thông tin) trước 20 ngày diễn ra lễ hội. Năm 2023, dự kiến trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội có quy mô lớn ở cấp thôn, liên thôn và liên huyện.
Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội phải xây dựng phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Chấn chỉnh, sắp xếp dịch vụ hàng quán gọn gàng, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm; không để tình trạng hàng quán không gọn gàng, giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thanh Trang