Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược) với các nội dung cụ thể:
Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao/Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây viết tắt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược.
Việc triển khai thực hiện Chiến lược sẽ được tập trung vào 5 nội dung chính: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình; Xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên thụ hưởng, phát triển toàn diện; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hoá, phát triển lĩnh vực gia đình.
Hàng năm, Bộ VHTTDL, các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao/Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong trong gia đình”; xây dựng và triển khai chương trình truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng và phát triển gia đình trong thời kỳ mới; tổ chức tuyên truyền về chuẩn mục, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh gắn với giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật về gia đình.
Tổ chức các hoạt động biểu dương gia đình tiêu biểu trong văn hóa ứng xử; truyền thông về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; kế thừa, phát triển văn hóa dân gian; xây dựng phong trào văn hóa cơ sở, phong trào thể dục, thể thao và ứng xử văn minh trong du lịch, hưởng thụ văn hóa.
Tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng ngừa phát sinh tiêu cực trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài bảo đảm phù hợp với từng vùng miền. Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phục 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp. Hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em, chăm sóc người khuyết tật, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình.
Từ năm 2022-2025: Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, bộ chỉ số gia đình hạnh phúc; Xây dựng đề án số hóa dữ liệu quốc gia về gia đình; Nghiên cứu, xây dựng danh mục dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình phát triển bền vững.
Từ năm 2022 -2030: Xây dựng, tổ chức thực hiện đề án khuyến khích sáng tác, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề tôn vinh, phát huy giá trị gia đình. Rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý nhằm đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp bảo đảm tinh gọn, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, có sự gắn kết nội dung gia đình với các lĩnh vực có liên quan. Xây dựng tài liệu đào tạo về công tác gia đình áp dụng trong các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên về gia đình các cấp. Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ gia đình (ưu tiên nhóm gia đình lao động di cư và công nhân lao động trong các khu chế xuất), mô hình hỗ trợ gia đình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình trước khi kết hôn. Xây dựng các chương trình phối hợp thực hiện công tác gia đình; kiện toàn và phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em ở cơ sở.
Bộ VHTTDL yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao/Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Kế hoạch này, tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch của địa phương triển khai thực hiện Chiến lược; Tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án của ngành tại địa phương; bố trí, cân đối nguồn lực của ngành tại địa phương bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác gia đình; đề xuất các giải pháp củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở; Đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại địa phương,…
V.H