Gia đình

Kế hoạch tuyên truyền về Xây dựng Gia đình & Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020

Thực hiện Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020”; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 9/10/2013 của UBND Thành phố Hà Nội […]

Thực hiện Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020”; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 9/10/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 05/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Nhằm nâng cao nhận thức nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và cộng đồng trong công tác xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn; góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố đến năm 2020.

1454555_598832086889730_2371963524356835037_n
Tuyên truyền bảo đảm chính xác, rõ ràng, thiết thực, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, truyền thống văn hóa, không ảnh hưởng đến bình đẳng giới, danh dự, nhân phẩm – đó là yêu cầu đặt ra trong Kế hoạch số 12/KH-UBND ban hành ngày 9/01/2015 của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
Mục tiêu của kế hoạch này là phấn đấu đến năm 2020, tối thiểu 95% hộ gia đình và cộng đồng được tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình (chú trọng đối tượng trong độ tuổi kết hôn, đặc biệt là nam giới) thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; 95% hộ gia đình được tuyên truyền về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo và kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; 95% hộ gia đình được tuyên truyền về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ quan báo chí có kiến thức về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
Hình thức tuyên tuyền được xác định là trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố; hệ thống Đài Phát thanh, Truyền thanh cơ sở; hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; tuyên truyền trên 07 cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với UBND Thành phố, gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Dân tộc và Phát triển, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào 3 nội dung chính:
Tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình: Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình; Luật dân sự để nhân dân biết và tích cực tham gia phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Người cao tuổi. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật đối với đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình và đã vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình.
Đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; kiến thức, kỹ năng về hôn nhân gia đình và xây dựng gia đình văn hóa; kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật trong hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung khác có liên quan. Lồng ghép tuyên truyền các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm.
Thông tin, tuyên truyền đến các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và xã hội về ý nghĩa, lợi ích, tầm quan trọng của Đề án; tăng cường thông tin về việc triển khai thực hiện Đề án của các đơn vị; chú trọng thông tin về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không có bạo lực gia đình, đặc biệt là mô hình “Ngôi nhà bình yên”. Đồng thời khuyến khích, biểu dương tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp tích cực trong công tác xây dựng gia đình lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Trên cơ sở đó, các cấp, ngành chức năng phải xây dựng nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp với từng đối tượng, cụ thể: Biên tập sổ tay, tài liệu và tập huấn cho phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Biên tập, sản xuất, xây dựng bài viết, bản tin, phóng sự về đường lối, chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi; về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế. Biên tập, sản xuất, xây dựng bài viết, bản tin, phóng sự theo các chuyên đề khác nhau cho đối tượng nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn có được kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Các phương tiện thông tin đại chúng mở các chuyên mục, chuyên đề, chương trình tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trên các kênh phát thanh, truyền hình; mở chuyên trang, chuyên mục quảng cáo về xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên các báo, tạp chí in, báo điện tử.
Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực tổ chức triển khai Kế hoạch, hướng dẫn các cơ quan liên quan, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; Chủ trì hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị của thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố; Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, Đài Truyền thanh quận, huyện, thị xã tổ chức thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hà Nội; hỗ trợ bài viết, biên tập nội dung cho hệ thống Đài Phát thanh và Truyền thanh.
Sở cũng có trách nhiệm tổ chức hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nội dung triển khai Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên báo chí trên địa bàn Thành phố; tuyên truyền cho người dân kỹ năng ứng xử trong gia đình, xử lý tình huống khi có bạo lực gia đình; Xây dựng các ấn phẩm thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa & Thể thao) chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về nội dung, thông tin, tình hình triển khai xây dựng gia đình và phòng chống bạo lực gia đình để thực hiện các hoạt động tuyên truyền; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn cho phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
Công an Thành phố cần tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, đánh giá các vụ liên quan đến bạo lực gia đình trên địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng các phương án, biện pháp phòng ngừa cụ thể. Chỉ đạo lực lượng công an xã, phường, thị trấn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin để kịp thời can thiệp, ngăn chặn, xử lý các trường hợp bạo lực gia đình.
Các Sở, ban, ngành khác của Thành phố cập nhật thông tin hoạt động, các văn bản chỉ đạo của đơn vị về công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố và các nội dung có liên quan; Tuyên truyền trên cổng/ trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị về các văn bản chỉ đạo và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hành vi bạo lực gia đình.
UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng Kế hoạch tuyên truyền Đề án; chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin tổ chức tuyên truyền tại địa phương. Đưa nội dung, mục tiêu của Đề án vào Kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội của địa phương; Chỉ đạo Đài phát thanh quận, huyện, thị xã; Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử quận, huyện, thị xã; thường xuyên đăng tải các văn bản quy định, bài viết, hướng dẫn để những nạn nhân bạo lực gia đình được chăm sóc, tư vấn tâm lý và được hỗ trợ các điều kiện cần thiết; Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình với phong trào xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
UBND Thành phố đề nghị Ban tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo và định hướng tuyên truyền về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình của Đảng, nhà nước và Thủ đô Hà Nội cho các cơ quan báo chí Thành phố và Trung ương; Chỉ đạo Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thông qua các kênh thông tin của Mặt trận Tổ quốc thành phố.
Đề nghị các cơ quan báo chí thông tin kịp thời về tình hình triển khai Đề án trên địa bàn Thành phố; tăng cường các tin, bài tuyên truyền phổ biến, giáo dục các kỹ năng ứng xử trong gia đình, ứng phó với căng thẳng, xử lý tình huống khi có bạo lực gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình. Chú trọng nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình nói không với bạo lực gia đình.

Văn Hải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *