Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, để các quy định trong Luật Thủ đô đến được với từng người dân và cán bộ công chức trong ngành, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã được triển khai một cách sâu rộng, tập trung vào các chuyên đề trọng […]
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, để các quy định trong Luật Thủ đô đến được với từng người dân và cán bộ công chức trong ngành, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đã được triển khai một cách sâu rộng, tập trung vào các chuyên đề trọng tâm, trọng điểm của ngành, đó là: bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; thực hiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa; chủ động thực hiện chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài; tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao giữa Hà Nội với các thành phố, thủ đô các nước trên thế giới…Sau 3 năm thi hành, Luật Thủ đô và các Nghị quyết của HĐND thành phố, Kế hoạch của UBND thành phố đã tạo cơ chế, chính sách đặc thù, mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô nói chung và lĩnh vực văn hóa, thể thao nói riêng.
Trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa, Sở đã hoàn thành Đề án “Tổng kiểm kê di tích toàn thành phố”. Tính đến tháng 11 năm 2015, Hà Nội có tổng số 5.922 di tích, trong đó có khoảng 2.396 di tích được xếp hạng. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư cả về số lượng và kinh phí. Trong năm 2014 và 2015, các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đóng góp gần 400 tỷ đồng cùng với Nhà nước bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Một số di tích tiêu biểu như: đền Ngọc Sơn- hồ Hoàn Kiếm, Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Phố cổ Hà Nội… được tôn tạo, nâng cấp để phục vụ du lịch…Công tác kiểm kê, giám định di vật, cổ vật được triển khai mở rộng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tính đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận cho 10 nhóm Bảo vật quốc gia với hàng trăm bảo vật quý giá. Cũng trong năm 2015, Hà Nội đã hoàn thành công tác tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở 30 quận, huyện, thị xã trên cơ sở lập danh mục, xác định số lượng, đánh giá sức sống, nhận diện thách thức, nguy cơ và đề xuất các biện pháp bảo vệ phù hợp. Hiện tại, Sở VHTT đang hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện đề án, xuất bản bản đồ và danh mục di sản báo cáo Bộ VHTTDL và UBND thành phố trước khi thông báo rộng rãi trong cộng đồng.
Hội Gióng và hát Ca Trù là 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị
Nhờ mức xử phạt hành chính trong kinh doanh dịch vụ văn hóa áp dụng theo Luật Thủ đô cao gấp 2 lần so với quy định hiện hành đã góp phần đưa hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quảng cáo… trên địa bàn thành phố dần đi vào nền nếp. Trong 3 năm từ 2013 đến nay, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra tổng số 962 cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar sử dụng nhạc mạnh, quán karaoke, kinh doanh băng đĩa, biểu diễn nghệ thuật…trên địa bàn thành phố, qua đó đã lập biên bản vi phạm hành chính 279 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 2,7 tỷ đồng, giảm nhiều số vụ vi phạm so với giai đoạn 2010- 2013.
Áp dụng chính sách trọng dụng nhân tài, từ năm 2013 đến nay, Sở VHTT đã tuyển dụng, tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển 2 thủ khoa xuất sắc và người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; 1 vận động viên xuất sắc đạt huy chương tại giải thi đấu thể thao quốc tế; 8 NSND và 23 NSƯT đã và đang công tác tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở. Sau khi tiếp nhận, Sở đã sắp xếp công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của từng trường hợp, nhờ vậy đã phát huy được năng lực, sở trường của từng cá nhân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao của Thủ đô.
Thực hiện chủ trương hội nhập, Sở VHTT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành tích cực triển khai các hoạt động tăng cường mở rộng quan hệ, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao với thủ đô các nước trên thế giới nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2010- 2020, giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiêu biểu là các hoạt động: Những ngày Hà Nội tại Fukuoka (Nhật Bản), Paris (Pháp), Matxcơva (Nga), Seoul (Hàn Quốc); tham gia Liên hoan âm nhạc truyền thống và âm nhạc thế giới Forde (Na uy); Lễ hội nghệ thuật quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia); biểu diễn Kịch tại Cộng hòa Séc, Ba Lan…Trong lĩnh vực thể thao, Sở đã cử nhiều đội tuyển, huấn luyện viên, vận động viên đi thi đấu và tập huấn quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các VĐV nâng cao thành tích tại các giải thi đấu quốc gia và quốc tế. Năm 2016, Hà Nội có 8 VĐV xuất sắc vượt qua vòng loại, giành quyền tham gia Thế vận hội Olympic Rio 2016 tại Brazil, tại các kỳ SEA Games 27 và 28, Đoàn Thể thao Hà Nội đóng góp hơn 30% tổng số Huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 17 tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, VĐV Dương Thúy Vi (Hà Nội) đã giành HCV duy nhất của đoàn Thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác quản lý văn hóa theo Luật Thủ đô vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, đó là: chưa có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia cải tạo, trùng tu nhà biệt thự cổ, biệt thự cũ; kinh phí đầu tư cho di sản chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng…Để khắc phục, Sở VHTT Hà Nội kiến nghị Thành phố cần tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; có chính sách đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cũng trong dịp này, Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND Thành phố sớm phê duyệt bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử chưa phù hợp, góp phần xây dựng Thủ đô hướng đến một thành phố thanh lịch, văn minh và hội nhập quốc tế.
Thanh Mai