Di sản

Kết nối di sản với phát triển du lịch

Du lịch Thủ đô đang trong quá trình hội phục mạnh mẽ sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Thành phố đã đề ra các giải pháp để phát triển du lịch, đáng chú ý là sự liên kết, hợp tác tạo ra sự kết nối giữa các điểm đến là những di sản văn hóa trên địa bàn cũng như với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 thu hút đông đảo người dân

Liên kết các điểm đến 

Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu khách du lịch trong năm 2023, để đạt được mục tiêu này, Thành phố tổ chức đổi mới sản phẩm, kích cầu du lịch, tăng cường công tác quảng bá… Trong các giải pháp để phát triển du lịch, đáng chú ý là sự liên kết, hợp tác tạo ra sự kết nối giữa các điểm đến là những di sản văn hóa trên địa bàn cũng như với các tỉnh thành khác trong cả nước. Cụ thể, Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang vừa cho ra đời một tour tham quan, trải nghiệm di sản hết sức đặc biệt, đó là “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng”.
“Hành trình theo dấu chân Phật hoàng” được bắt đầu từ Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nơi vua Trần Nhân Tông lên ngôi, ở ngai vàng điều hành đất nước. Tiếp đó, khách du lịch sẽ đến với chùa Vĩnh Nghiêm, nơi ngài trực tiếp thuyết pháp và xây dựng đây thành trung tâm Phật giáo của cả nước. Ngôi chùa không những có kiến trúc đẹp mà còn là nơi lưu giữ được kho mộc bản gồm 34 đầu sách với 3.050 bản khắc kinh Phật. Kho mộc bản này đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hành trình tiếp theo là đi lên đến đỉnh Yên Tử từ sườn Tây, để theo dấu Phật hoàng năm xưa.
 Tour tham quan, trải nghiệm di sản “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng”
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch”, các địa phương, đơn vị tham gia đã “chào hàng” nhiều tour du lịch mới, hoặc đưa ra những đổi mới trong xây dựng sản phẩm mà tour “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng” là một thí dụ. Một tour du lịch khác cũng được nhiều người chú ý trong đợt này là tour Hoàng thành Thăng Long – Bát Tràng. Sau khi tham quan Hoàng thành Thăng Long, tìm hiểu các cổ vật nghìn năm, khách sẽ được lên xe buýt hai tầng, đi qua nhiều con phố nổi tiếng của Hà Nội tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Việc kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long và các làng nghề là điều nhiều nhà khoa học đề xuất từ lâu và nay chính thức được hiện thực hóa.
Trong dịp này, khách du lịch còn có thể khám phá thành cổ Cổ Loa theo một cách tiếp cận mới. Tour “Tìm về kinh đô người Việt cổ” khởi hành từ Hoàng thành Thăng Long, đưa khách du lịch đến nơi từng là kinh đô cổ hơn của nước Việt – Cổ Loa để du khách cảm nhận rõ nét hơn những giá trị của thành Cổ Loa xưa, đặc biệt là câu chuyện về An Dương Vương xây “thành ốc” hay những truyền thuyết về  nỏ thần Kim Quy, chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy… Khách du lịch còn được trải nghiệm làm mũi tên đất với khuôn mô phỏng bộ mũi tên khai quật ở Cổ Loa.
Xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng
Cùng với kết nối các di sản, các doanh nghiệp còn tăng tốc liên kết hợp tác để xây dựng sản phẩm có chất lượng, giá thành tốt. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các doanh nghiệp lữ hành sẽ mang tới gần 1.000 nhóm sản phẩm du lịch mới với nhiều hình thức khuyến mại giảm giá từ 15 – 30% và quà tặng kèm theo hấp dẫn. Các doanh nghiệp hàng không cũng đưa ra thị trường một lượng lớn vé máy bay giá rẻ, qua đó, tạo điều kiện cho người dân tới các điểm du lịch trên toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023, vừa qua, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO tổ chức sự kiện “Unesco Travel Fest 2023 – Together again (Cùng nhau trở lại)”. Gần 1.000 doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và các tỉnh, thành đã tham dự để tìm kiếm cơ hội hợp tác, hiến kế cho phát triển du lịch. Các doanh nghiệp đã tham gia diễn đàn B2B – Kết nối doanh nghiệp và tọa đàm “Những vấn đề cần khắc phục và giải pháp hậu Covid-19” (phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội tổ chức).
Du khách trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long
Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Trương Quốc Hùng cho biết: “Chúng tôi lấy chủ đề của chương trình năm nay “Cùng nhau trở lại” để mang đến thông điệp, các đơn vị lữ hành sẽ cùng nhau liên minh, chia sẻ để hoạt động mạnh mẽ trở lại sau dịch Covid-19, giúp cho ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi và phát triển”. Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 diễn ra gần với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đây là kỳ nghỉ dài nhất từ sau Tết Nguyên đán, mở màn cho mùa du lịch hè 2023, vì vậy, đây còn là dịp các doanh nghiệp kích cầu du lịch với nhiều sản phẩm được khuyến mại ở mức cao.
Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 mới đây, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) kết hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội (HPA) đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tour du lịch văn hoá, các điểm đến di sản, các di tích như phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hoả Lò, các hoạt động trình diễn văn hoá nghệ thuật, trình diễn làm sản phẩm làng nghề độc đáo…
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ước tính đến hết tháng 3/2023, ngành du lịch Thủ đô đón 5,88 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 978,7 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khả quan với du lịch Thủ đô.
Với việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên tục đổi mới sản phẩm, chất lượng, du lịch Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để được mục tiêu đón 22 triệu khách du lịch trong năm 2023.

 

Quỳnh Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *