Ngày 25/5, tại Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình 06/CTr-TU thời gian qua, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình từ nay đến cuối giai đoạn 2021-2025.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU khẳng định: Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia tích cực của Nhân dân, Chương trình đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trong từng năm.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra
Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I/2023 cơ bản các chỉ tiêu thuộc các nhóm đạt kết quả tốt, tiêu biểu: Nhóm chỉ tiêu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa có 2 chỉ tiêu đạt 100%; nhóm chỉ tiêu phát triển thể thao có 3 chỉ tiêu đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; nhóm chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm có 3 chỉ tiêu, đã hoàn thành và vượt so với kế hoạch đề ra… Thành phố tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược liên quan đến phát triển văn hóa Thủ đô như, rà soát quy hoạch: Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, trường học, cơ sở dạy nghề, các nhà hát thành phố; quy hoạch quảng cáo tấm lớn trên địa bàn thành phố; xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách liên quan phục vụ phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục của Thủ đô.
Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn Thành phố được triển khai cụ thể hóa bằng việc thực hiện các nội dung của Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử thành phố Hà Nội và đề án văn hóa công sở của Chính phủ ban hành đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố; trong triển khai thực hiện đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, toàn diện, nổi bật. Các mô hình Thôn, làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như: “Thôn, tổ dân phố tự quản”, “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch” được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Hằng năm, trên địa bàn Thành phố có 88.0% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63.0% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.
Công tác xây dựng môi trường văn hoá được triển khai cụ thể hóa bằng việc thực hiện các nội dung của Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, hình thành nhiều mô hình mới, sáng tạo. Các mô hình Thôn, làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như: “Thôn, tổ dân phố tự quản”, “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch” được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn thành phố. Hàng năm, trên địa bàn thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 63% thôn, làng đạt danh hiệu Làng văn hóa; 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả đáng ghi nhận với việc lập hoàn thành xếp hạng 1 di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng hồ sơ 1 di tích khác; nâng cấp xếp hạng 3 di tích quốc gia; xếp hạng 52 di tích cấp thành phố. Giai đoạn 2021-2025, thành phố phân bổ kinh phí cho 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, với tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng, trong đó có 58 dự án cấp thành phố và 521 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp quận, huyện. Đến nay, Thành phố có thêm 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lên 27 di sản. Công tác truyền dạy và phát huy giá di sản văn hoá phi vật thể được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản…
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong hai năm qua, chất lượng giáo dục của Hà Nội tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học. Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp có nhiều đổi mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 2.500 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; doanh nghiệp đặt hàng đào tạo. Các địa phương, đơn vị tổ chức 520 phiên giao dịch việc làm với 15.566 đơn vị, doanh nghiệp tham gia.
Công tác xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thành phố đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội được đề cao, là nền tảng quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai được thực hiện tích cực ở các cấp, đặc biệt trong môi trường nhà trường. Thành phố cũng tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”; “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Ngành văn hóa cùng các sở, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện hai Quy tắc ứng xử, với mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.
Chương trình 06/Ctr-TU đã tạo nhiều chuyển biến tích cực từ Thành phố đến cơ sở
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy, tiêu biểu như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa thường xuyên, liên tục, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nên kết quả vẫn chưa được như mong muốn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa đồng bộ, thiếu chủ động và linh hoạt, sáng tạo; công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án còn chậm, chưa quyết liệt; năng lực một số chủ đầu tư cũng như tư vấn thiết kế, nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đơn vị chưa được tập trung, hiệu quả còn thấp, gây lãng phí tài nguyên văn hóa, con người… Đồng thời đề xuất các sáng kiến, giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định: Các nội dung trong chương trình rất rõ, nhưng cần chú trọng hơn về mặt thể chế. Thời gian tới Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô. Quá trình này chúng ta vừa sơ kết, vừa tổng kết Luật Thủ đô đã ban hành. Mong muốn Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hoá và cơ sở về văn hoá để biến nó thành công cụ pháp luật, các điều luật để từ đó huy động được các nguồn lực dưới góc độ vừa quản lý, vừa kiến tạo sự phát triển cho lĩnh vực văn hoá, nhất là với một vị trí thủ đô mang đậm dấu ấn văn hoá, có bề dày về lịch sử và truyền thống và có một kho tàng phong phú đồ sộ về di tích. Đây là những vấn đề cần phải tương thích những bộ luật khác như Luật Di sản Văn hoá sẽ sửa đổi tới đây. Các Luật phải có sự kết nối, liên thông để xây dựng Luật Thủ đô thuận lợi hơn.
Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, kết quả của Chương trình 06-CTr/TU đến nay là sự kế thừa từ các chương trình ở các nhiệm kỳ trước và có thêm vấn đề mới do yêu cầu và chỉ đạo mới của Trung ương, thực tiễn của thành phố Hà Nội. Sau hai năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới…
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, đây là kết quả bước đầu và các cấp ngành vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về triển khai chương trình. “Sau Hội nghị chúng ta sẽ có thêm động lực, trách nhiệm để tổ chức triển khai, thực hiện tốt hơn. Cần tiếp tục tạo nên thay đổi toàn diện về nhận thức trong vấn đề văn hóa, con người. Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hoá cơ sở, với việc tham mưu cho Thành ủy ban hành một chỉ thị về xây dựng văn hóa con người Hà Nội. Cần quan tâm thực chất, hiệu quả đến chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có 3 nhóm vấn đề về giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức các cấp. Các quận, huyện, sở, ngành theo chương trình, đề án được phân công, tiếp tục rà soát, đánh giá, cần có giải pháp cụ thể đối với chương trình 06/Ctr-TU”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
T.Nga