Di sản – Bảo tồn

Khai hội truyền thống làng Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên

Sáng 18/3/2024 (tức mùng 9/2 âm lịch), tại di tích đình Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm xuân Giáp Thìn 2024.

Màn múa lân tại Lễ hội – Ảnh: Cổng GTĐTTP

Đây là lễ hội đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Tham dự buổi lễ có: Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên Vũ Thị Thành, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Nguyễn Quốc Long; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận; lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Việt Hưng.

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng Nhân dân địa phương và khách thập phương đã tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của 3 vị Thành hoàng làng là: Đức Thánh Linh Lang Đại Vương – Thượng đẳng phúc thần; Công chúa Đào Hoa (còn gọi là Thiên tiên Đào Anh phu nhân – Thượng đẳng thần) và Công chúa Phù Nương – Trung đẳng thần.

Theo thần tích, Linh Lang Đại Vương có tên là Hoàng Chân con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông (1054 -1072), mẹ là Hạo Nương cung phi thứ 9, quê ở Đông Đoài – xã Bồng Lai – huyện Đan Phượng – trấn Sơn Tây. Năm 1.075, đất nước có nạn ngoại xâm, hoàng tử Hoàng Chân xin nhà vua cùng hoàng tử Chiêu Văn chỉ huy hạm thuyền vượt cửa biển Vĩnh An tấn công, đánh tan các đồn bốt của giặc ở dọc biên giới. Ngài đã phối hợp với đạo quân của tướng Tôn Đản đánh chiếm các cơ sở chiến lược và trung tâm hậu cứ lương thảo của giặc Tống ở thành Ung Châu.

Đánh trống khai hội – Ảnh: Cổng GTĐTTP

Quân ta đại thắng, được nhà vua mở đại yến thiết đãi và muốn nhường ngôi nhưng hoàng tử Hoàng Chân từ chối. Đất nước thanh bình được thời gian, năm Đinh Tỵ (1077) giặc Tống lại đưa quân sang xâm lược nước ta. Một lần nữa, hoàng tử Hoàng Chân lại cùng hoàng tử Chiêu Văn và Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy hạm thuyền từ Vạn Xuân ngược dòng sông Khao Túc bất ngờ tập kích vào phòng tuyến phía đông của giặc bên bờ sông Như Nguyệt, góp công lớn đánh đuổi giặc Tống ra khỏi biên cương Đại Việt, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc. Xét công trạng của hoàng tử Hoàng Chân, vua Lý Nhân Tông ban phong mỹ tự cho phép 269 làng của cả nước được xây đền, lập miếu thờ và sắc phong là Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng phúc thần.

Sau lễ khai mạc là phần khai hội với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, trong đó, tiêu biểu là nghi lễ múa lột rắn truyền thống. Được biết nghi thức múa lột rắn và lễ hội làng Trường Lâm có từ khoảng thế kỷ XV, cùng với sự hình thành của đình làng. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người làng vẫn luôn cố gắng gìn giữ. Những năm gần đây, di tích và lễ hội ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền cũng như cộng đồng. Các thanh niên đều hăng hái tham gia tập luyện để thể hiện màn múa lột rắn được nhuần nhuyễn, đẹp mắt nhất.

Màn múa lột rắn tại lễ hội – Ảnh: Cổng GTĐTTP

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương: Trong 269 nơi thờ Linh Lang Đại Vương, chỉ duy nhất ở đình Trường Lâm có điệu múa lột rắn. Điệu múa vừa thể hiện sự tích Linh Lang đại vương, vừa thể hiện mong muốn tiêu thoát nước, trị thủy của người dân. Hình ảnh uốn lượn của rắn tượng trưng cho dòng nước chảy lên xuống, cũng là khát vọng của người dân về một năm mới mưa thuận gió hòa, nhiều hanh thông, may mắn.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy phường Việt Hưng Đinh Quang Luận cho biết: Năm 2024 thiết thực hưởng ứng, thực hiện chủ đề công tác năm của quận Long Biên “Năm hành động vì cảnh quan, môi trường đô thị và chuyển đổi số”, Tiểu ban quản lý di tích Trường Lâm đã chủ động mời các nhà nghiên cứu khoa học của Cục di sản văn hóa – Bộ Văn hóa Thể thao và Du dịch phối hợp biên soạn giới thiệu về “Đình làng Trường Lâm nghệ thuật và lễ hội” nhằm quảng bá di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quốc gia và lễ hội Đình Trường Lâm xây dựng Khu di tích đình chùa Trường Lâm thành điểm sáng văn hoá, xứng đáng với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 2 âm lịch (từ ngày 18 đến 20/3/2024).

Linh Phạm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *