Chiều 21/11, Bảo tàng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày 3 chuyên đề “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê”, “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”, và “Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hoá thạch”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Những hoạt động này nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững. Với việc tổ chức các trưng bày chuyên đề này, Bảo tàng Hà Nội không chỉ thể hiện vai trò là một không gian sáng tạo văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội mà còn hiện thực hóa các cam kết, sáng kiến của mình, đưa hoạt động sáng tạo vào mọi mặt trong đời sống”.
Tại trưng bày chuyên đề “Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê” đã giới thiệu đến khách tham quan hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu về Giảng Võ trường – nơi đào tạo quan võ và binh lính cho triều đình và các loại hình vũ khí thời Lê. Trong đó điểm nhấn là bộ sưu tập vũ khí Ngọc Khánh gồm 111 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận công nhận Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/01/2023. Đây là bộ sưu tập hoàn chỉnh với đấy đủ các loại hình bạch khí và hỏa khí có niên đại thế kỷ XV – XVIII hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
Trưng bày chuyên đề “Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại” tôn vinh các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, đồng thời qua đó nhằm kết nối du lịch, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo. Đây là chuyên đề do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam tổ chức giới thiệu về 10 làng nghề tiêu biểu đại diện cho trên 1350 làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội, được thể hiện thông qua góc nhìn thiết kế sáng tạo của các bạn sinh viên đến từ 09 trường đại học của Việt Nam và 01 trường đại học đến từ Vương quốc Thái Lan.
Đặc biệt cũng tại đây, chuyên đề Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hoá thạch do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội tổ chức giới thiệu đến công chúng gần 1200 tài liệu, hiện vật có giá trị cao về mặt lịch sử và khoa học giúp tái hiện lại một vùng đất cổ sinh. Đó là các mẫu hóa thạch động, thực vật của Việt Nam và thế giới. Nhiều hiện vật có niên đại vài trăm triệu năm; các mẫu hóa thạch, mô hình về con người, công cụ, dụng cụ và những dấu tích người cổ để lại trầm tích hang động.
Trưng bày được thể hiện với sự giao thoa giữa khoa học – lịch sử – tự nhiên và nghệ thuật khi khách tham quan được chiêm nghiệm qua những thước phim, thưởng thức các tác phẩm hội họa và đặc biệt là những mẫu vật hóa thạch có niên đại hàng trăm triệu năm. Ngoài ra, trong trưng bày còn có không gian trình chiếu 3D Mapping mô tả lịch sử hình thành trái đất bằng công nghệ 3D thực tế ảo, sống động, hấp dẫn người xem.
Hòa An