Ngày 18/1, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức, đã khai mạc tại khu vực hồ Văn, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
“Cho chữ, xin chữ” đầu Xuân là một hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Do đó, Hội chữ Xuân hàng năm được Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đặc biệt chú trọng và ngày càng được nâng cao về chất lượng, góp phần làm sống lại một nét văn hóa truyền thống lành mạnh, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam, cũng như nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về thư pháp của công chúng.
Không gian Hội chữ Xuân được bài trí mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, với các gian trình diễn thư pháp của các ông đồ, khu vực triển lãm thư pháp với chủ đề “Thành Đức”, không gian giáo dục thi cử truyền thống, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, nhiều trò chơi đậm nét văn hoá cùng nhiều chương trình biểu diễn những làn điệu dân ca, những môn nghệ thuật truyền thống… làm nên sự kết nối, trở về với những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Qua 5 năm tổ chức, Hội chữ Xuân trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa, thu hút đông đảo khách tham quan và công chúng không chỉ riêng ở Thủ đô mà còn từ nhiều miền đất nước và bạn bè quốc tế. Hội chữ Xuân góp phần khơi dậy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám đồng thời truyền cảm hứng về một nền giáo dục trọng Đức, trọng Tài.
Ngoài các gian lều viết chữ của 52 người viết thư pháp được bố trí tại khu vực phía trước của Hồ Văn, xung quanh Hồ Văn được giành cho triển lãm 52 tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Thành Đức” với mong muốn giới thiệu những giá trị tốt đẹp của truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài… thông qua những tác phẩm thư pháp mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Những giá trị văn hóa đó sẽ góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản, với văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ, góp phần phát triển giáo dục “Thành Đức, Đạt Tài”.
Ngay trong lễ khai mạc, rất đông người dân Thủ đô và du khách đã đến tham quan Hội chữ Xuân, thưởng lãm các tác phẩm thư pháp và xin chữ đầu năm. Các ông đồ cũng phấn khởi khi được giới thiệu đến công chúng nét văn hóa truyền thống của Việt Nam thông qua nghệ thuật thư pháp.
Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 diễn ra đến hết ngày 5/2, mở cửa hàng ngày từ 8 giờ đến 20 giờ, riêng ngày 24/1 (tức ngày 30 Tết) sẽ mở cửa đón Giao thừa và kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau.
Tiểu Vy
Theo MaskOnline