Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 đã khai mạc sáng 21/1/2017 tại Hồ Văn, Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là hoạt động do Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám phối hợp với các Câu lạc bộ Thư pháp tại Hà Nội tổ chức.
Tham dự khai mạc Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 có các đồng chí lãnh đạo: Ông Lương Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; Ông Trương Minh Tiến Sở VHTT Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo của Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám, công an quận Đống Đa, đại diện của các CLB thư pháp Hà Nội và nhiều thư pháp gia lão làng.
Hội chữ Xuân Đinh Dậu có sự tham gia của gần 100 ông đồ đã vượt qua các cuộc sát hạch đến từ 13 CLB Thư pháp và một số người yêu thư pháp hoạt động tự do.
Thay mặt Sở VHTT Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở đã có bài phát biểu khai mạc Hội chữ Xuân Đinh Dậu. Bài phát biểu nhấn mạnh: Văn Miếu Quốc Tử Giám được coi là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đây lưu giữ và bảo tồn nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như: Hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài… Hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân Thủ đô và các vùng lân cận lại nô nức kéo về Văn Miếu để xin chữ đầu Xuân với mong muốn có một năm mới an khang, thịnh vượng, con cháu chăm ngoan, học giỏi, thành đạt. Từ năm 2014, nhằm góp phần bảo lưu những nét đẹp văn hóa truyền thống này của dân tộc và phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết, du Xuân an toàn, vui vẻ, Sở VHTT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám phối hợp với các CLB Thư pháp của Hà Nội đưa Hội chữ Xuân vào tổ chức tại Hồ Văn – Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 là lần thứ 4 hoạt động này được tổ chức và trở thành một sân chơi lành mạnh của các thư pháp gia, tạo điều kiện để những người yêu thư pháp cũng như nhân dân có một điểm đến ý nghĩa mỗi dịp Xuân về, Tết đến.
Cũng trong dịp diễn ra Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017, tại Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám còn có hoạt động triển lãm thư pháp với chủ đề Tôn sư trọng đạo. Triển lãm giới thiệu tới đông đảo người yêu thư pháp Thủ đô 30 tác phẩm thư pháp của 22 tác giả được viết bằng chữ Hán – Nôm và chữ quốc ngữ. Đây là những tác phẩm thư pháp được tuyển chọn từ hơn 70 tác phẩm dự tuyển của hàng chục CLB thư pháp đang sinh hoạt tại Thủ đô Hà Nội. Các bức thư pháp được thể hiện trên nhiều chất liệu theo nhiều phong cách khác nhau, ghi lại nhưng lời danh ngôn, giáo huấn, thơ văn… của các bậc tiền nhân về chủ đề “Tôn sư trọng đạo” qua các thời đại lịch sử.
Cũng trong buổi lễ khai mạc Hội chữ Xuân Đinh Dâu 2017, người yêu thư pháp còn có dịp chứng kiến màn biểu diễn thư pháp của Thư pháp gia Trần Quốc Trí đến từ CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam với tác phẩm: Học đạo ngay tại sân khấu của buổi lễ.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao bằng chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm thư pháp được trưng bày tại Triển lãm Tôn sư trọng đạo. Đồng thời cũng tổ chức trao giải cho các tác phẩm giành giải cao tại triển lãm lần này gồm: 2 giải khuyến khích, 2 giải Nhì và 2 giải Nhất (không có giải Ba).
Đặc biệt, giải Nhất chữ quốc ngữ được trao cho tác phẩm: Có một nghề của tác giả Trần Võ Hiệp; Giải Nhất chữ Hán được trao cho tác phẩm: Tôn sư trọng đạo (Trích Hậu hán thư – Khổng hi truyện) của tác giả Nguyễn Đức Phong.
Ngoài viết chữ, Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 còn có sự tham gia của một số gian hàng thủ công truyền thống như: gốm sứ, tranh dân gian, chạm khắc gỗ… và một không gian nhỏ dành cho thiếu nhi như: giới thiệu tranh dân gian, trải nghiệm khám phá tranh Tết, các trò chơi dân gian…
Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa truyền thống, nét đẹp văn hóa của người dân Hà Nội mỗi dịp Xuân về, Tết đến mà đây còn là cơ hội để các thế hệ trẻ Thủ đô hiểu được những nét đẹp trong các tác phẩm thư pháp, các hoạt động thư pháp. Qua đó các bạn trẻ sẽ thêm yêu, thêm quý để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Lan Hương (Mask)
Theo MaskOnline