Chiều 9/2, tại Hồ Văn (thuộc Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã diễn ra lễ khai mạc Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018.
Chiều 9/2, tại Hồ Văn (thuộc Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã diễn ra lễ khai mạc Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 do Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Ban liên lạc các CLB Thư pháp tại Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động thường niên đáp ứng nhu cầu “Cho chữ – Xin chữ” mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông ta.
Năm nay, Hội Chữ Xuân Mậu Tuất được chuẩn bị chu đáo nhằm tạo ra một “sân chơi” để trên 63 người viết thư pháp Hán – Nôm, Quốc ngữ có điều kiện trổ tài, sáng tác và nhân dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp với nhiều nguyện ước tốt lành.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa kia là trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài lớn nhất đất nước. Và hiện nay, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi lưu trữ và bảo tồn nhiều truyền thống quý báu của dân tộc; đó là hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo và tôn trọng hiền tài… Bởi vậy, hàng năm, cứ mỗi dịp đầu Xuân, với ước mong chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng, con cháu học giỏi, chăm ngoan, thành đạt… nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận lại nô nức đến Văn Miếu xin chữ đầu Xuân.
Hội chữ năm nay, cùng với hoạt động viết thư pháp, Hội chữ Xuân Mậu Tuất còn tái hiện không gian giáo dục xưa cùng sự góp mặt của nhiều làng nghề thủ công với các mặt hàng truyền thống đa dạng, phong phú như: giấy dó, tơ lụa, sơn mài, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật, gốm sứ, mâm ngũ quả ngày Tết… Cách bài trí các gian hàng và bối cảnh không gian trang trí Hội chữ Xuân đậm nét khoa cử cùng nhiều trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu văn và lễ hội hoa đăng thả đèn tại hồ Văn cầu chúc một năm mới an khang – thịnh vượng tạo cho Hội chữ Xuân năm nay một màu sắc tươi mới, đậm chất văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, đến với Hội chữ, người dân và du khách còn có dịp chiêm ngưỡng Triển lãm với chủ đề “Hiền tài” với 34 tác phẩm thư pháp tiêu biểu trên nhiều chất liệu, theo nhiều phong cách khác nhau của chính người viết thư pháp tham gia Hội chữ. Nội dung các tác phẩm không chỉ phản ánh giá trị “Tôn trọng hiền tài” của dân tộc mà còn có ý nghĩa khích lệ thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, kế thừa truyền thống của cha ông và từng bước góp phần nâng cao trình độ của người viết thư pháp cũng như trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của công chúng Thủ đô.
Ông đồ Kiều Quốc Khánh – một người tham gia Hội chữ nhiều năm cho biết: “Mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong không khí vui vẻ chào đón một năm mới, những người tham gia viết chữ để tái hiện khung cảnh, tái hiện những hình ảnh tiếp diễn một phong tục truyền thống của ông cha cảm thấy rất ấm lòng vì càng ngày càng có nhiều người dân tìm về những giá trị ký ức một thời, về với những giá trị xưa cũ”.
Ông Khánh cũng cho biết thêm: “Những năm gần đây, việc viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ đã dần hình thành nên những phong cách tiệm cận tới những kỹ pháp truyền thống. Cách vận bút, lấy mực, cách hành bút của các ông đồ đã dần điêu luyện; không còn xảy ra tình trạng “bôi bẩn vào chữ Quốc ngữ” như trước đây báo chí từng đưa. Các ông đồ đã phải dành nhiều thời gian trau dồi, rèn luyện, tham bác, và vượt qua kỳ khảo tuyển để được tham gia viết chữ tại Hội chữ Xuân”.
Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 sẽ kéo dài đến hết ngày 25/2/2018 (tức mồng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Đặc biệt, riêng đêm 30 Tết, Hội chữ sẽ hoạt động đến 02h00 ngày mùng 1 Tết và các ngày mồng 1,2, 3 Tết sẽ mở cửa hoạt động đến 22h00 để phục vụ người dân có nhu cầu xin chữ vào thời khắc đầu năm mới.
Nga Tô
Theo MaskOnline