Sáng nay (8/9), tại Khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Về phía đại biểu Việt Nam có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao…
Tham dự Hội thảo có đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các bộ, ban ngành và các viện nghiên cứu…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cho biết, hơn 1.000 năm trước, vào thế kỷ 11 – Năm 1010, đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên.
Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ 11 – thế kỷ 12) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – thế kỷ 20), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thành Đại La trở thành Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích Kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Có thể nói, cuộc khai quật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những khai quật đầu tiên được tiến hành vào tháng 12 năm 2002, tại Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, thành phố Hà Nội. Kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích của Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.
“Đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, năm 2009 Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt.
Và gần một thập kỷ kể từ ngày phát lộ, năm 2010, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa của Thế giới, đúng vào dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Kể từ đó đến nay, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di sản.
Quang cảnh Hội thảo. |
Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; chỉ đạo thực hiện nghiêm những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với khuyến nghị của ICOMOS về di sản; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy giá trị của Di sản; để Hoàng Thành Thăng Long mãi là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam.
Để góp phần nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những giá trị căn bản của khu Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội; nhất là trên các phương diện kiến trúc, cảnh quan, sự giao thoa văn hoá, bảo tồn và phát huy giá trị…, tại Hội thảo khoa học quốc tế này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý hãy tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị của Di sản.
“Những kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để thành phố Hà Nội xây dựng phương án khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới; đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ dưới dạng di sản số. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự góp mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, Hội thảo khoa học quốc tế hôm nay sẽ thành công tốt đẹp”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay.
Hội thảo đã nhận được 31 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản trong nước và quốc tế. Các tham luận đề cập đến những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long trong 20 năm kể từ khi phát lộ, đặc biệt 10 năm kể từ sau khi được vinh danh Di sản văn hóa thế giới trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học theo khuyến nghị của ICOMOS; chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tại các khu di sản; chia sẻ kinh nghiệm diễn giải, trưng bày và bảo tàng nhằm làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của các khu di sản thế giới; nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu…
Hội thảo này sẽ là dịp nhìn lại những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội từ năm 2002 đến nay, đặc biệt là kết quả khai quật khảo cổ học kể từ khi khu di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới; trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế; đồng thời tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.