Sự kiện

Khai mạc triển lãm  “Tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”: Kết nối sáng kiến, tôn vinh tinh hoa  

10 tác phẩm trong triển lãm được trưng bày, là 10 sáng kiến khác nhau, là tâm huyết và sự đam mê của nhiều nhà thiết kế trẻ khác nhau. Nhưng sợi dây kết nối giữa họ là tinh thần của Festival sinh viên nội thất Việt Nam, là sự quyết tâm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, là sự trân trọng được hiện thực hóa bằng sức sáng tạo không giới hạn.

Sáng 21/10/2023, tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức khai mạc triển lãm “Tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại”. Triển lãm nằm trong khuôn khổ Festival Sinh viên Nội thất Việt Nam 2023, kéo dài đến hết ngày 29/10/2023.

Ông Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc

Festival Sinh viên Nội thất Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Tôn vinh tinh hoa làng nghề truyền thống qua góc nhìn thiết kế nội thất dương đại” là sân chơi khuyến khích các nhà thiết kế nội thất trẻ khai phá và thể hiện những ý tưởng mới, giao lưu, tìm tòi về những vật liệu truyền thống từ các làng nghề Việt, để từ đó mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng về những giá trị cốt lõi, kết tinh những tinh hoa trong các nghệ thuật chế tác các vật liệu ấy của người Việt xưa và nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong khuôn khổ của một chương trình có sự phối hợp nhiều đơn vị, tổ chức như: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm; Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; cùng Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội và Hội Nội thất Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ: “Hà Nội sáng tạo là một chương trình bổ ích, hưởng ứng kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025. Theo đó, Festival sinh viên nội thất Việt Nam mang đến các hoạt động thiết thực, đóng góp những ý tưởng và sáng kiến có giá trị để góp phần tôn vinh các giá trị của làng nghề truyền thống của Thủ đô. Festival Sinh viên Nội thất Việt Nam là sân chơi khuyến khích các nhà thiết kế nội thất trẻ khai phá và thể hiện những ý tưởng mới, giao lưu, tìm tòi về những vật liệu truyền thống từ các làng nghề Việt, để từ đó mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng về những giá trị cốt lõi, kết tinh những tinh hoa trong các nghệ thuật chế tác các vật liệu ấy của người Việt xưa và nay. Hy vọng năm 2024, sự kiện sẽ thu hút được thêm nhiều trường đại học, nhiều sinh viên ngành thiết kế nội thất tham gia”.

Tiến sỹ Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng trường Đại học mỹ thuật Công nghiệp phát biểu tại lễ khai mạc

Tiến sỹ Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng trường Đại học mỹ thuật Công nghiệp cũng chia sẻ: “ Festval Sinh viên nội thất Việt Nam nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hà Nội sáng tạo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp tổ  chức. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tham gia của rất nhiều sinh viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nói riêng, sinh viên ngành thiết kế nội thất nói chung với nhiều sản phẩm có ý nghĩa, có giá trị, góp phần thiết thực vào thực hiện các nội dung Thành phố Sang tạo của Hà Nội. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm cho thấy sự sáng tạo của sinh viên nội thất là không giới hạn, hết sức độc đáo, mang đặc thù riêng. Chúng tôi hy vọng với sự lao động nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo không giới hạn cùng tinh thần làm việc không biết mệt mỏi của giới trẻ  thì trong tương lai, Hà Nội sẽ có nhiều công trình, nhiều không gian tôn vinh được sự sáng tạo, thực sự sáng tạo”.

Các đại biểu tham quan triển lãm

Chia sẻ về Triển lãm, Nhà thiét kế nội thất Lưu Việt Thắng, sáng lập Diễn đàn Sinh viên  Nội thất Việt Nam cho biết:  “ Đây là lần đầu tiên  Festival Sinh viên Nội thất Việt Nam được tổ chức. Sự kiện này được chúng tôi chuẩn bị  trong 4 tháng với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương;  trong suốt quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Đây là sự kiện khởi đầu để thắp lên ngọn lửa  sáng tạo, liên kết trong các sinh viên ngành thiết kế nội thất của Việt Nam, tăng thêm hiểu biết về làng nghề, vận dụng tốt  sự kết hợp giữa thiết kế truyền thống và thiết kế hiện đại  trên cơ sở vật liệu truyền thống. Từ đó, xây dựng nên hình ảnh của nội thất Việt Nam trong tương lai. Sứ mệnh của Diễn đàn là mang đến sợi dây để kết nối các đơn vị, tổ chức và các cá nhân cùng hướng đến mục tiêu phát triển chung. Vì vậy Festival Sinh viên nội thất Việt Nam lần đầu tiên này sẽ mở màn cho các chuỗi Festival tiếp theo, kết nối ngày càng nhiều các nhà thiết kế trẻ, và khuyến khích mọi người cùng đóng góp, cống hiến những sáng kiến vì một nền Nội thất Việt đa dạng và có tính bản sắc rõ nét”.

Khách tham quan triển lãm

Chuỗi sự kiện Liên hoan Sinh viên Nội thất 2023 có sự tham gia của 10 trường Đại học trong và ngoài nước, hơn 100 sinh viên xuất sắc đại diện chuyên ngành và đội ngũ 20 giảng viên: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Đại học Xây dựng; Đại học Kiến trúc Hà Nội; Đại học Mở, Đại học Lâm nghiệp; Đại học Kiến trúc Đà Nẵng; Đại học Duy Tân; Đại học Yersin Đà Lạt; Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học King Mongkut Bangkok Thái Lan. Đây cũng là cộng đồng thuộc mạng lưới của Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam – cộng đồng lớn nhất hiện nay của các nhà thiết kế trẻ toàn quốc.

Với sự phối hợp của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Festival sinh viên nội thất kết nối 10 làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống:  Làng nghề gốm Bát Tràng, Làng nghề sừng Thuỵ Ứng, Làng nghề bạc Định Công, Làng nghề thêu Thường Tín, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, Làng nghề tranh Hàng Trống, Làng nghề lụa Vạn Phúc, Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền và Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ. Điều này mang đến cho chương trình kho tàng tư liệu khổng lồ về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc của người Hà Nội.

Triển lãm giới thiệu 10 sản phẩm, tác phẩm. Mỗi làng nghề, mỗi sản phẩm là một câu chuyện về “bí quyết làm nghề” rất riêng, mang đậm dấu ấn của người Tổ nghề hay mô phỏng tập tục của người dân làng nghề ấy. Tuy nhiên, qua góc nhìn và sự sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ với những cách tiếp cận hoàn toàn mới, như thổi một làn gió đầy đương đại vào từng thớ lụa, từng món trang sức trạm trổ, từng bức tượng điêu khắc…. 10 tác phẩm trong triển lãm được trưng bày, là 10 sáng kiến khác nhau, là tâm huyết và sự đam mê của nhiều nhà thiết kế trẻ khác nhau. Nhưng sợi dây kết nối giữa họ là tinh thần của Festival sinh viên nội thất Việt Nam, là sự quyết tâm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, là sự trân trọng được hiện thực hóa bằng sức sáng tạo không giới hạn.

Một số tác phẩm tại Triển lãm:

L

Làng nghề sừng Thụy Ứng

 

Lụa Vạn Phúc

 

Mây tre đan Phú Vinh

 

Tranh Hàng Trống

 

Khảm trai Chuôn Ngọ

Bên cạnh hoạt động cốt lõi là Triển lãm Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn Thiết kế Nội thất đương đại, Festival Sinh viên Nội thất Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động: ID.tour – Tham quan, trải nghiệm không gian nội thất Nhà Hát Lớn Hà Nội, trải nghiệm không gian thủ công mỹ nghệ truyền thống tại làng nghề sơn mài Hạ Thái và làng gốm Bát Tràng, Tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, và các chương trình hội thảo, tọa đàm kết nối về giáo dục giữa các trường đại học: ID.Talk: Tọa đàm Con đường Sự nghiệp, ID.edulink – Kết nối đội ngũ giảng viên và Hội nội thất qua Tọa đàm về Đào tạo ngành nội thất tại Việt Nam.

 Nguyễn Minh 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *