Ngày 20/12, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc Trưng bày “Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên” giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật khảo cổ quý giá minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám.
Tham dự khai mạc có ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bà Phạm Thị Mỹ Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Bà Cecile Vigneau – Phó Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ông Christian Manhart – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Ông Patrick Hoarau – Chuyên gia đồ họa, Đại diện nhóm thiết kế; Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Phát biểu tại triển lãm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết: “Trải qua hơn 700 năm phát triển, suy thịnh tùy thời, Quốc Tử Giám Thăng Long vẫn luôn song hành với sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt và cùng gánh vác sứ mệnh vun bồi nguyên khí, cử người hiền dùng người tài mà lịch sử đã giao phó. Từ ngôi trường này, lớp lớp học trò được nuôi dưỡng bằng tri thức và đạo đức, với những cống hiến bền bỉ, trở nên Thành Đức – Đạt Tài, những bậc quân tử khí tiết, đức độ và để lại tiếng thơm cho đời sau. Cho đến nay, Quốc Tử Giám vẫn là biểu tượng cho những giá trị của đạo học Việt Nam”.
Sau gần 3 năm kể từ khi lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện các công đoạn nội dung, thiết kế mĩ thuật đến thi công, trưng bày “Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên” đã hoàn thành, mang đến cho công chúng nhiều điều mới mẻ và sáng tạo. Trưng bày giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh mầu lần đầu tiên được công bố trưng bày tại di tích và hiện vật khảo cổ rất quý giá minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám.
Ông Patrick Hoarau, chuyên gia đồ họa, Đại diện nhóm thiết kế cũng cho biết: Trưng bày là kết quả của sự nỗ lực trong suốt quá trình sưu tầm các tài liệu vô cùng quý hiếm, là một dịp để thể hiện được tất cả những nỗ lực, kinh nghiệm của các chuyên gia khi thực hiện trưng bày để có thể truyền bá những giá trị của đạo học, cũng như là của văn hoá. Thông qua trưng bày nhằm truyền bá những tư tưởng của đạo học, của Nho giáo qua những lời răn dạy của Khổng Tử. Trưng bày được thể hiện theo một trục thời gian, dẫn du khách đi từ thời điểm Nho giáo được du nhập vào Việt Nam với những tư tưởng của Khổng Tử cho đến thời điểm đương đại hiện nay. “Trục thời gian đó giống như một dòng chảy đưa chúng ta đến những giai đoạn, thời điểm khác nhau của quá trình phát triển về mặt tri thức. Ngoài không gian trưng bày trong nhà, du khách còn được tham quan khu trưng bày ngoài trời tái hiện hình ảnh phấn đấu, đỗ đạt của một nho sinh thời xưa bắt đầu từ mái trường làng cho đến khi vào học ở Quốc Tử Giám, đi thi, đỗ đạt và vinh quy bái tổ. Không gian trưng bày ngoài trời giống như một khu vườn đưa chúng ta đến từng thời điểm, từng chặng đường khác nhau của một nho sinh” – ông Patrick Hoarau cho biết thêm.
Trưng bày được chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Trưng bày trong nhà sẽ đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử với khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần – Hồ, đỉnh cao là thời Lê – Mạc – Lê Trung Hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn, và sự hồi sinh của di tích thời đương đại. Gắn với mỗi giai đoạn phát triển, Quốc Tử Giám lại ghi dấu ấn bởi các danh nhân văn hóa hay sự kiện tiêu biểu tại ngôi trường này.
Trưng bày ngoài trời là không gian giúp người xem gợi nhớ về cuộc đời của một nho sinh với mái trường tại làng quê, cảnh thi cử nơi kinh thành và rồi lại trở về quê hương vinh quy bái tổ. Đây cũng sẽ là địa điểm để tổ chức các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tô Nga