Thực trạng xuống cấp và giải pháp tháo gỡ khó khăn, để bảo tồn và góp phần khẳng định giá trị các di tích là nội dung chính của hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”, do UBND TP Hà Nội […]
Thực trạng xuống cấp và giải pháp tháo gỡ khó khăn, để bảo tồn và góp phần khẳng định giá trị các di tích là nội dung chính của hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”, do UBND TP Hà Nội phối hợp với Trung ương Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 19-9.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, văn hóa tham dự hội thảo.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, nhiều di tích đã phát huy giá trị, trở thành điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: Khuê Diệp |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, một trong những khó khăn thường trực của lĩnh vực bảo tồn di sản là thực trạng xuống cấp của hàng nghìn di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn; trong đó, riêng số di tích xuống cấp từ nặng tới nghiêm trọng ở Hà Nội đã lên tới hơn 700 di tích. Cùng với đó, còn có gần 200 di tích khác đang trong tình trạng bị lấn chiếm hoặc chiếm dụng không gian làm nơi sinh sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác quản lý, bảo tồn.
Thách thức với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Hà Nội còn đến từ những bất cập, hạn chế trong trùng tu, tu bổ di tích tại các địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) nêu: Đã có không ít câu chuyện đáng tiếc về hoạt động trùng tu, tu bổ di tích ở Hà Nội cũng như trên cả nước, mà trường hợp hạ giải, xây mới hoàn toàn một công trình cổ ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa cách đây chưa lâu là một ví dụ. Vấn đề này cần được kiểm điểm sâu sắc, đề ra giải pháp khắc phục cũng như ngăn chặn nguy cơ tái diễn.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, có rất nhiều nguyên nhân cho những bất cập của công tác tu bổ, tôn tạo di tích như: Những hạn chế về nhận thức của cộng đồng; sự vào cuộc chưa tích cực của chính quyền địa phương; thực trạng thiếu hoặc phải kiêm nhiệm nhiều việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên văn hóa ở cơ sở; thủ tục còn rườm rà trong quy trình cấp phép tu bổ, tôn tạo… Hệ lụy của vấn đề này là tình trạng “đẽo cày giữa đường”; “nhắm mắt làm liều” hay tệ hơn là “nhắm mắt làm ngơ” đã và đang gây tổn hại lớn cho di tích.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường quản lý
Du khách tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Vinh |
“Về lâu dài, cùng với việc có thêm nhiều cách quản lý mới, cần duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ di tích văn hóa, lịch sử” – PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị.
Liên quan đến vấn đề nhân lực trong lĩnh vực này, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, vai trò con người trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là vô cùng quan trọng. Hà Nội cần tổ chức khảo sát, đánh giá một cách toàn diện, cụ thể nguồn nhân lực, trên cơ sở đó phân loại và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Song song với đó, cần có chế độ, chính sách thỏa đáng, nhằm động viên, khuyến khích họ cống hiến, làm việc có hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thành phố đang thực hiện một số giải pháp để khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả công tác quản lý di tích. Cụ thể: Thành phố đã yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao và các ngành chức năng lập danh mục di tích cần tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2018-2020 để thành phố hỗ trợ từ các nguồn vốn theo thứ tự ưu tiên; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, phổ biến thủ tục hành chính về cấp phép tu bổ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện đúng quy định. TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát, ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ, dẫn đến vi phạm Luật Di sản văn hóa.
“Việc huy động vốn cần thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc khoa học với sự giám sát của cộng đồng” – Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Theo Báo Hànộimới