Ngày 18/1/2025, Đảng ủy-UBND xã Phú Châu, huyện Ba Vì đã tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Hạ – đền Thượng làng Phú Xuyên.
Đền Hạ và đền Thượng làng Phú Xuyên, xã Phú Châu Thôn thờ hai vị thần là Ngài Bùi Đôn và Bùi Chẩn. Theo bản dịch cuốn “Quận công nhị bộ lang súy ngọc phả lục” do Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn, được sao lại vào năm Tự Đức thứ 10 (1857), còn lưu trong di tích cho biết: Hai ông vốn là anh em sinh đôi ở vùng Yên Lý huyện Đông Thành tỉnh Nghệ An (nay thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo có tiếng là nhân đức trong vùng. Cha hai ông là Bùi Lân và mẹ là Dương Thị Mẫn. Khi lên sáu tuổi bố mẹ mới đặt tên người anh là Bùi Đôn và người em là Bùi Chẩn. Lên 9 tuổi, hai ông được cha mẹ cho theo học ở nhà Tĩnh Đường tiên sinh. Ngoài học văn hai ông còn chăm chỉ rèn luyện võ nghệ, tinh thông binh pháp.
Trong kháng chiến chống giặc Minh của dân tộc ta vào thế kỷ thứ XV, hai anh em họ Bùi lúc này đã mười tám tuổi, cha mẹ lại mất. Để tang cha mẹ ba năm, hai ông đã giao toàn bộ gia sản cho em mẹ là Dương Lân để lên đường đi tìm người hiền tài có cùng chí hướng đánh đuổi quân giặc cứu dân, giúp nước. Một hôm khi đi qua vùng Phong Châu, nơi xưa kia Vua Hùng đã từng lập đô dựng nước, đứng trên núi ngắm nhìn ngã ba Bạch Hạc, các ông thấy một vùng đất đai trù phú có hai dòng sông bên đục bên trong hợp lại thành một dòng chảy nên quyết định ở lại Phong Châu một thời gian. Hai ông đã gặp Nguyễn Trãi – một sĩ phu yêu nước, tài cao đức trọng đang nuôi chí báo thù, tìm kế sách để đánh đuổi giặc Minh, khi đó đang ở vùng Sơn Đông quê hương của Trần Nguyên Hãn. Được Nguyễn Trãi cho biết ở Lam Sơn có người anh hùng với uy tín và tầm ảnh hưởng lan rộng khắp vùng Thanh Hóa đang chiêu mộ hào kiệt bốn phương về tụ nghĩa để đánh đuổi giặc Minh. Đầu năm 1417 các ông đã cải trang thành người bán dầu tìm đường vào Lam Sơn. Đến đất xã Phú Xuyên, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay là xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) thì trời tối và đổ cơn mưa to sấm lớn, cả ba người dừng nghỉ tại chùa Sùng Chân đầu làng Phú Xuyên. Không ngờ canh hai đêm đó giặc Minh từ thành Đa Bang ập đến cướp bóc dân làng. Trước tình thế nguy cấp hai ông Bùi Đôn, Bùi Chẩn với hai cây đoản kích đã xông ra đánh trả quân địch cứu nguy cho dân làng và giải vây cho Nguyễn Trãi. Trận chiến đấu ác liệt kéo dài từ nửa đêm đến gần sáng, do thế cô lực kiệt hai ông đã bị địch giết hại tại sân chùa vào ngày 6 tháng 2 âm lịch. Sáng hôm sau khi quân địch rút đi, Nguyễn Trãi và bà con dân làng đã tổ chức mai táng hai ông ở khu Cống Lão (phía ngoài đê sông Hồng) và lập miếu thờ. Sau đó Nguyễn Trãi lại tiếp tục tìm bạn đồng hành khác là Trần Nguyên Hãn cải trang thành người bán dầu vượt qua mắt quân xâm lược để vào Lam Sơn tụ nghĩa. Cuối năm 1427, cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, trong lễ luận công khen thưởng các tướng sĩ có công, vua Lê Thái Tổ đã truy phong hai ông: một ông là Quận công tả bộ lang súy, một ông là Quận công hữu bộ lang súy, giao cho nhân dân làng Phú Xuyên xây đền thờ hai ông để bốn mùa hương khói, muôn đời nhớ ơn công đức.
Với nguyện vọng đồng lòng của dân làng Phú Xuyên mong muốn được tu sửa đền Thượng, đền Hạ, được sự thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kinh phí do nhân dân và con em xa quê tự nguyện công đức. Công trình được tu bổ vào đầu năm 2023, đến nay đã hoàn thành. Tổng giá trị công trình khoảng hơn 7 tỷ đồng do nhân dân làng Phú Xuyên công đức. Công trình được thi công theo đúng thiết kế, đảm bảo gìn giữ những nét cổ của cha ông ta để lại. Công trình hoàn thành đã đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, nhân dân làng Phú Xuyên, những người con đang công tác, học tập, lao động, sản xuất ở trong và ngoài nước.
BV