Lễ khánh thành công trình Đình làng Kim Hoàng đã được UBND xã Vân Canh, huyện Hoài Đức tổ chức trọng thể vào ngày 3/12/2023.
Theo các tư liệu cổ hiện lưu tại di tích và truyền thuyết của Nhân dân địa phương, Đình làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức thờ thần Bạch Hạc Tam Giang và là vị thần được 172 nơi thờ phụng. Thần Bạch Hạc Tam Giang tên thật là Đào Trường, là người con thứ 3 của ông Đào Bột và bà Nguyễn Thị Hương, là một trong năm quả trứng thần mà Long Vương đã ban tặng cho nhà họ Đào để giúp dân, giúp nước. Khi mới 15, 17 tuổi, Đào Trường đã tinh thông võ nghệ, có phép thuật thần thánh, tham gia ứng thí và được vua Hùng Duệ Vương phong làm Nam Long Trưởng lệnh quyền Chưởng Trung Hoa Tể quốc vị thổ lệnh hầu, đứng đầu trông coi năm mươi thủy thần. Kể từ đó, thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, Nhân dân ấm no. Nhiều lần chúa Thục đem quân đánh chiếm Văn Lang, Hùng Duệ Vương lệnh cho Trưởng lệnh công dẫn theo binh mã ra trận và đều mang chiến thắng trở về.Trong một lần, Trưởng lệnh công chèo thuyền rồng ra sông Lương Giang ở Tam Kỳ chơi, bỗng trời đất tối sầm, nước dâng lên dữ dội, ông cưỡi cá chép lớn, tay cầm ấn ngọc tự nhiên mà hóa. Cùng lúc ấy, từ trong thuyền của ông có một con rồng vàng màu sắc sáng rực rỡ, thân dài hơn trăm thước, bay thẳng lên trời trong tiết trời mưa to gió lớn kéo dài đến ba ngày sau đó. Nhà vua vô cùng thương tiếc người bề tôi hiền tài đã truyền hịch nơi nào có hành cung của ông đều thờ phụng.
Đình Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức toạ lạc trên khu đất cao giữa làng, mặt trước quay về hướng tây nhìn qua sân lớn và cây cảnh ra một ao to, bờ bên kia có bức bình phong đắp cuốn thư đồ sộ. Khuôn viên đình thoáng rộng, sân sau có hai cây đa cổ thụ, hai bên hông có các cửa ngách ăn thông với đường làng ngõ xóm.
Đình làng Kim Hoàng ban đầu chỉ bao gồm một tòa Đại đình hình chữ Nhất. Đến thời vua Tự Đức (1974) xây dựng thêm tòa Hầu cung tạo thành hình chữ Đinh. Niên hiệu Thành Thái (1889 – 1907) xây thêm hai tòa tả vu, hữu vu. Tòa Đại bái rộng 3 gian 2 chái lớn (chái kép) một tầng 4 mái, 2 mái chính, 2 mái bên, có 48 cột chia thành 6 hàng, vòng ngoài 24 cột hiên, vòng giữa 16 cột quân, vòng trong 8 cột cái. Bên trong Đình vẫn còn lưu giữ được nhiều bức cốn khắc chạm những hình tượng dân gian, độc đáo và thú vị như: đánh vật, bắn cung, múa đinh ba, thổi sáo, cưỡi báo, cưỡi rồng, những phụ nữ cưỡi voi hoặc mặc yếm, váy dự hội…
Đình Kim Hoàng được công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật theo Quyết định số 993/QĐ ngày 28/9/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch. Đặc biệt hơn nữa, Đình Kim Hoàng, còn được gắn biển “Di tich lịch sử cách mạng” bởi đây là nơi ghi dấu sự kiện 3 giờ sáng ngày 19/8/1945, quần chúng Nhân dân làng Kim Hoàng cùng các làng lân cận tập trung tại Đình Kim Hoàng phất cao cờ đỏ sao vàng cùng tiến về Hà Nội góp phần vào thắng lợi trong việc giành chính quyền tại Thủ đô ngày 19/8/1945. Đồng thời, đình Kim Hoàng cũng là nơi ra mắt và đặt trụ sở của Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Hoài Đức vào ngày 20/8/1945.
Thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội, tháng 10/2021, UBND huyện Hoài Đức đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình Tu bổ, tôn tạo di tích Đình Kim Hoàng tại Quyết định số 5411/QĐ-UBND ngày 04/10/2021. Dự án có tổng mức đầu tư trên 17 tỷ đồng được sử dụng vốn Ngân sách của huyện và các nguồn vốn khác.
Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 29/9/2022 và hoàn thành ngày 15/11/2023 với các hạng mục được tu bổ, tôn tạo gồm: Đại Đình, nhà Tả Mạc, Hữu Mạc, Bể nước phòng cháy, tôn sân…Là công trình có kiến trúc độc đáo, sau khi hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo, đình Kim Hoàng càng khang trang và bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân địa phương cũng như đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương.
Thanh Thạo