Ngày 28/2/2023 (tức mồng 9/2 âm lịch), tại di tích đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), Ủy ban nhân dân quận Long Biên tổ chức Lễ khánh thành dự án tu bổ di tích đình Trường Lâm và khai mạc lễ hội đình Trường Lâm xuân Quý Mão 2023.
Đình Trường Lâm là nơi thờ ba vị Linh Lang đại vương, Công chúa Đào Hoa và Công chúa Phù Nương. Trong đó, Linh Lang đại vương là đức thánh đệ nhất. Tương truyền, Linh Lang đại vương là con trai Long Vương, đầu thai làm con vua Lý Thánh Tông, tên gọi Hoàng Lang. Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng Lang xin vua đi đánh giặc. Khi giặc tan, Hoàng Lang hóa thành con bạch xà trăm trượng bò xuống hồ Tây rồi biến mất. Hiện nay trên cả nước có 269 nơi thờ Linh Lang đại vương làm Thành hoàng. Linh Lang đại vương cũng là một trong các vị thần của Thăng Long tứ trấn.
Cụm di tích đình – chùa Trường Lâm đã được công nhận là Di tích quốc gia năm 1992. Trong đó, ngôi đình là một kiến trúc cổ, tòa đại đình có cấu trúc 5 gian 2 dĩ. Các phần nội thất, đồ thờ tự của ngôi đình được chạm trổ hết sức tinh tế.
Năm 2022, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên quyết định đầu tư tu bổ đình Trường Lâm với kinh phí 5,7 tỉ đồng. Các hạng mục chính được tu bổ, tôn tạo gồm: Bóc lớp vữa cũ để trát lại tường đại đình, tả vu, hữu vu, tả môn, hữu môn, tường rào, thủy đình và khu phụ trợ; tôn tạo cổng rước kiệu, sân, đường dạo… Sau một thời gian thi công, các hạng mục chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh, quận Long Biên luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản trên địa bàn, trong đó có đình Trường Lâm và lễ hội Trường Lâm và bày tỏ mong muốn nhân dân Trường Lâm sẽ tiếp tục phát huy giá trị di tích đình Trường Lâm sau khi tiếp nhận bàn giao.
Sau lễ khánh thành là màn khai hội đình Trường Lâm. Lễ hội đình Trường Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, nhưng độc đáo nhất là màn múa Lột rắn.
Để thực hiện điệu múa này, 15 thanh niên chưa vợ được tuyển chọn kỹ lưỡng, bám vào nhau di chuyển thành hình con rắn uốn lượn. Con rắn sẽ trải qua ba lần lột xác thì màn múa kết thúc. Điều độc đáo là trong 269 nơi thờ Linh Lang đại vương trên cả nước, chỉ duy nhất đình Trường Lâm, Long Biên có điệu múa lột rắn. Điệu múa vừa thể hiện sự tích Linh Lang đại vương, vừa thể hiện mong muốn tiêu thoát nước, trị thủy của người dân. Hình ảnh uốn lượn của rắn tượng trưng cho dòng nước chảy lên xuống và cũng là khát vọng của người dân về một năm mới mưa thuận gió hòa, nhiều hanh thông, may mắn.
Nói về điệu múa Lột rắn, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình Trường Lâm Âu Xuân Kiên cho biết: “Nghi thức múa Lột rắn và Lễ hội làng Trường Lâm có từ khoảng thế kỷ XV, cùng với sự hình thành của đình làng. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chúng tôi vẫn luôn cố gắng gìn giữ. Những năm gần đây, di tích và lễ hội ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền cũng như cộng đồng. Các cháu thanh niên đều hăng hái tham gia tập luyện để có thể thể hiện màn múa lột rắn được nhuần nhuyễn, đẹp mắt nhất”.
Tại lễ hội đình Trường Lâm, kết thúc màn trống hội, múa rồng, lột rắn, Nhân dân địa phương còn được tham gia nhiều hoạt động khác như: rước nước, rước văn, tế thánh, đá cầu, bóng chuyền hơi…
Nhật Linh