Lễ hội

Khảo sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân trên địa bàn Hà Nội

Phần lễ của các lễ hội với nghi thức diễn ra trang trọng, nghiêm túc theo đúng truyền thống, có ý nghĩa giáo dục, thời gian tổ chức không kéo dài, thực hiện theo đúng quy chế lễ hội


Đoàn khảo sát làm việc tại đền Và (thị xã Sơn Tây). (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Ngày 16/2, Đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã khảo sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn thành phố.

Tại hai điểm khảo sát đền Và và chùa Mía (thị xã Sơn Tây), người dân, khách thập phương về chiêm bái, tham quan tương đối đông. Công tác tổ chức, quản lý di tích và lễ hội diễn ra văn minh, an toàn.

Hàng năm, địa bàn thị xã Sơn Tây diễn ra 65 lễ hội truyền thống, tập trung vào tháng Giêng (30 lễ hội). Từ đầu năm 2023 đến nay, các lễ hội tại Sơn Tây đều diễn ra an toàn, đảm bảo trang nghiêm, đúng nghi lễ truyền thống.

Các địa phương có lễ hội đã thành lập ban tổ chức; xây dựng kế hoạch, kịch bản, nội dung, chương trình… Điển hình, lễ hội đền Măng Sơn (xã Sơn Đông); lễ giỗ Bố cái Đại vương Phùng Hưng, lễ hội đình Mông Phụ, lễ hội đình Cam Thịnh (cùng xã Đường Lâm); lễ hội đình Hộ Bắc (phường Lê Lợi); lễ hội đền Và (phường Trung Hưng)…

Phần lễ của các lễ hội với nghi thức diễn ra trang trọng, nghiêm túc theo đúng truyền thống, có ý nghĩa giáo dục, thời gian tổ chức không kéo dài, thực hiện theo đúng quy chế lễ hội.

Phần hội được tổ chức vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh, phong phú với các trò chơi truyền thống, hoạt động văn hóa, thể thao như, chơi đu, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt, đi xe đạp chậm, nấu cơm thi…

Tại các lễ hội lớn, thị xã Sơn Tây chỉ đạo các xã, phường quy hoạch, sắp xếp hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông đảm bảo an toàn, mỹ quan. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách về tham dự lễ hội được chú trọng, không để xảy ra hiện tượng mất cắp cổ vật, mê tín dị đoan, lộn xộn, chèo kéo khách…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết thêm, qua theo dõi trên địa bàn, đến nay, không có hành vi xâm hại, lấn chiếm di tích, xây dựng trái phép các đền thờ để thu lợi bất chính, phá hoại cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường trong khu vực lễ hội và di tích danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan.

Với các lễ hội chuẩn bị diễn ra, thị xã tiếp tục tăng cường quản lý và tổ chức, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong di tích và lễ hội được đảm bảo đúng theo quy định.

Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình đánh giá, công tác tổ chức, quản lý lễ hội xuân, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di sản của thị xã Sơn Tây có những chuyển biến rõ nét.

Thời gian tới, Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục quan tâm về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho thị xã phát triển tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch và các vấn đề xã hội khác.

Tuy nhiên, trước thực tế du khách về Sơn Tây ngày càng đông, hạ tầng phục vụ lễ hội tại các di tích còn bất cập. Vì vậy, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn, thị xã đẩy nhanh tiến độ dự án chuẩn bị đầu tư, dự án tu bổ phát huy di tích, trong đó có di tích đền Và.

Chương trình 02 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có danh mục đầu tư cho đền Và hơn 90 tỷ đồng, trong đó, thành phố hỗ trợ 60 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị đẩy nhanh tiến độ hạng mục tu bổ tại đền Và, các hạng mục 24 dự án tu bổ di tích khác. Quá trình đầu tư cần quan tâm đến các hạng mục để đón lượng khách lớn đến tham quan, hành lễ. Bên cạnh đó, trong quản lý, khai thác di tích cần áp dụng phương thức quản lý mới để tăng tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu. Sơn Tây cần tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, có cả cơ chế đặc thù cho các di tích đặc thù như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm…/.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *