Nếu nói là nhớ những ngày nằm viện thì không hẳn, nhưng quả là khi được ra viện cũng không khỏi có đôi chút bịn rịn. Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống, tiến tới kiểm soát dịch Covid-19, vì một sự cố về sức […]
Nếu nói là nhớ những ngày nằm viện thì không hẳn, nhưng quả là khi được ra viện cũng không khỏi có đôi chút bịn rịn.
Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống, tiến tới kiểm soát dịch Covid-19, vì một sự cố về sức khỏe, tôi buộc phải nằm viện. Gần 50 năm chưa hề nằm viện. Lần cuối cùng là trong viện quân y dã chiến mặt trận Quảng Trị cuối năm 1972, lúc mười tám, đôi mươi để điều trị vết thương trước khi được chuyển ra Bắc. Sau này, có tới bệnh viện, cũng chỉ là đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe hay thăm hỏi, chăm sóc người thân, bạn bè… Vậy nên cái cảm giác sẽ phải nằm viện, mà lại là Bệnh viện Ung bướu quả là nặng nề với đủ thứ hồi hộp, lo âu, dù biết căn bệnh của mình không mấy phức tạp. Lo lắng lớn nhất là đã có tuổi, với đủ mọi thói tật của người già, làm sao để có thể sinh hoạt bình thường mà không ảnh hưởng đến những người nằm cùng phòng bệnh. Phòng dịch vụ lại không còn.
Vậy mà mấy ngày ngắn ngủi nằm viện lại mang đến những trải nghiệm hoàn toàn khác.
Đầu tiên là không gian bệnh viện. Một không gian thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh. Các khâu đón tiếp, hướng dẫn khá khoa học, tạo thuận lợi nhất có thể cho bệnh nhân. Cảm nhận rõ nhất, không gian ấy tạo cho bệnh nhân chút an lòng.
Buồng bệnh A411 Khoa Ngoại tổng hợp lúc tôi vào có 5 người, giường bệnh được kê giãn cách hơn theo yêu cầu phòng dịch. Không có những tiện nghi như thường thấy ở các buồng bệnh dịch vụ, nhưng sạch sẽ, thoáng mát, có đủ quạt trần, điều hòa, phòng tắm, vệ sinh khép kín, với bình nóng lạnh. Với một người không quá cầu kỳ, như vậy là tạm ổn. Vấn đề còn lại là mối quan hệ với những bệnh nhân cùng phòng. Ngay từ phút đầu, nỗi lo ngại ấy đã được giải tỏa.
Có một nghịch lý, trong khi tôi là người bệnh nhẹ nhất trong số 5 người cùng phòng, thì người nâng đỡ tinh thần cho tôi, làm tôi cảm thấy an lòng phần nào trước ca phẫu thuật lại là những người đang mang bệnh trọng, ít nhất là cũng nặng hơn tôi rất nhiều. Người chờ mổ cắt u bàng quang. Hai người khác u thực quản, không thể mổ, phải mở xông dạ dày để truyền thức ăn. Một chàng trai trẻ vừa cắt khối u ở chân.
Mỗi người trong số họ đều xác định phải chiến đấu với căn bệnh quái ác. Ai đó đã nói, với các bệnh nhân K, là cuộc chiến đấu kép với bệnh tật và tư tưởng bi quan. Bác sĩ cũng bảo, chữa bệnh, 50% phụ thuộc vào tư tưởng của bệnh nhân. Chính cái ý chí kiên cường của những người bệnh cùng phòng đã truyền sự bình tĩnh, an tâm cho tôi. Cũng nhờ đó mà mấy ngày nằm viện trôi qua nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Lại nói phòng bệnh thời Covid. Do dịch bệnh, mỗi người vào viện đều phải có xét nghiệm PCR với kết quả âm tính để cấm cửa con vi rút SARS-CoV-2. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai vào là ở nguyên trong viện. Chính vì vậy, những người đi theo chăm sóc bệnh nhân không thay đổi. Phòng có 5 người bệnh, thì ba cậu con trai chăm ba ông bố, một ông em chăm anh, một cô vợ trẻ chăm chồng. Vì cùng hoàn cảnh, họ tự nhiên gần gũi, chia sẻ với nhau, giúp nhau những việc nho nhỏ như lấy cơm, trông đỡ người nhà, chia sẻ từng đồng quà, tấm bánh. Cả phòng thở phào khi một ca mổ thành công. Phòng bệnh lan tỏa một không khí ấm cúng, đùm bọc.
Cũng trong phòng bệnh, có lẽ tôi duy nhất là người được ra viện mà biết sẽ không phải quay lại, còn hầu hết, xác định ra, vào điều trị lâu dài. Vậy mà có người ra viện trước, vẫn động viên tôi: Bác ở lại cố gắng, anh em mình phải chiến đấu, chiến thắng bệnh tật. Không phải họ không biết tình trạng bệnh tật của mình, nhưng họ không dễ dàng đầu hàng.
Nếu không nói tới các y, bác sĩ và nhân viên y tế sẽ là một thiếu sót. Tâm lý yên ổn nơi các bệnh nhân, phụ thuộc rất nhiều vào tác động từ thái độ của các thầy thuốc. Một câu động viên, một cử chỉ nhẹ nhàng lúc thay băng, làm thuốc hay sự hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ cũng làm bệnh nhân thêm an tâm điều trị. Không câu hỏi nào của bệnh nhân không được giải đáp một cách cặn kẽ, tận tình. Tôi rất ấn tượng với câu nhắc nhẹ nhàng mà cương quyết: Các bác đeo khẩu trang vào hộ cháu. Ô hay, đeo khẩu trang trước hết là để tự bảo vệ, là trách nhiệm của mỗi người, mà lại “hộ cháu”. Kể cả những người khó tính nhất cũng ngoan ngoãn theo mà “giúp” cô điều dưỡng.
Nếu so với nhịp sống sôi động của thành phố non chục triệu dân như Hà Nội thì cuộc sống trong bệnh viện là một khoảng lặng, ít người biết đến, thậm chí là mong ước đừng bao giờ phải trải nghiệm. Nhưng cuộc đời làm sao tránh được quy luật của sinh, lão, bệnh, tử. Điều đáng nói là khoảng lặng ấy cho ta những cảm nhận đáng giá về tình người, về ý chí, nghị lực chiến thắng bệnh tật. Có vào viện, mới thấy cuộc sống vô cùng quý báu, phải chắt chiu từ những điều nhỏ nhất. Mới thấy cuộc sống bình thường muôn vẻ của thành phố là đáng quý bao nhiêu.
Ngắm một ánh trăng thu từ khung cửa phòng bệnh mới thấy được chiêm ngưỡng khoảng trời thu xanh ngắt từ ban công nhà mình là vô cùng hạnh phúc. Cuộc đời vẫn vậy, cho ta những bài học quý báu ngay cả trong những khoảnh khắc tưởng như cam go nhất.
Theo Báo Hànội mới
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cam-nhan/825506/khoang-lang-thanh-pho