Nhắc đến kịch nói Thủ đô là nhắc đến những đỉnh cao của sân khấu mà Nhà hát kịch Hà Nội là kết tinh với một phong cách riêng biệt: Tài hoa, lịch lãm mà rất bác học. Đỉnh cao của kịch nói Việt Nam Ngay từ khi mới thành lập năm 1956, khán giả […]
Nhắc đến kịch nói Thủ đô là nhắc đến những đỉnh cao của sân khấu mà Nhà hát kịch Hà Nội là kết tinh với một phong cách riêng biệt: Tài hoa, lịch lãm mà rất bác học.
Đỉnh cao của kịch nói Việt Nam
Ngay từ khi mới thành lập năm 1956, khán giả Thủ đô và cả nước “đã bị” kịch nói Hà Nội – khi ấy là đội kịch của Đoàn văn công Nhân dân Thủ đô chinh phục với vở diễn Lam Sơn tụ nghĩa, Đêm tháng bảy… Từ đó, Nhà hát kịch Hà Nội ngày một tiến bước trên con đường nghệ thuật vinh quang mà đầy chông gai. Đó là những xáo trộn về khán giả thập kỷ 80 của Thế kỷ 20 đã đòi hỏi sân khấu kịch nói phải thay đổi để luôn xứng đáng với vai trò là người bạn tinh thần của khán giả. Vì vậy thời kỳ này đòi hỏi Nhà hát phải lựa chọn vở diễn một cách kỹ càng hơn. Bằng các vở kịch nói sâu sắc, mang phong cách riêng của Hà Nội, Nhà hát kịch đã ngày càng kéo được nhiều khán giả về mình với một loạt vở kịch của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tiêu biểu hơn cả là vở kịch nói Tôi và chúng ta đã góp phần cổ vũ phong trào đổi mới toàn diện đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam thời kỳ đó. Vở kịch như quả “bom tấn” thời bấy giờ đã góp phần đưa vị thế Nhà hát kịch Hà Nội lên đỉnh cao của làng kịch nói Việt Nam.
Tiếp theo sau Tôi và chúng ta là một loạt thành công mới của Nhà hát được thể hiện qua các vở kịch: Hà Nội đêm trở gió, Ăn mày dĩ vãng, Sám hối. Gần đây là các vở Tình sử ngàn năm, Cát bụi, Bỉ vỏ v.v. đã nâng tầm cao và vị thế của một Nhà hát kịch đại diện cho Thủ đô Hà Nội lên một lần nữa.
Một thành công đáng kể nhất của Nhà hát kịch Hà Nội, góp phần làm nên thương hiệu kịch nói Thủ đô đó là việc đưa những vở kịch mang đậm hơi thở cuộc sống ra sân khấu, khiến cho khán giả luôn bị lôi cuốn vào những vở diễn, với những kịch tính gay cấn, gây tiếng vang như Mùa hoa sữa, Thày khóa làng tôi, Ngôi sao lạc trời, Điện thoại di động, Cát bụi, Mắt phố, Đứa con bị đánh cắp, Tháp đoạn hồn, Cầu vồng trắng, Cây lẻ bạn, Những mặt người thấp thoáng, Cát bụi. Tiêu biểu hơn cả là các vở Cát bụi, Những mặt người thấp thoáng nổi trội cả về nội dung, tư tưởng, kịch tính, nghệ thuật diễn xuất, âm nhạc và cách trang trí sân khấu. Đến nỗi, sau khi xem xong vở Những mặt người thấp thoáng nhiều người phải thốt lên rằng thế mới là kịch Hà Nội!.Còn nữa, vở Hòn đảo thần vệ nữ – một vở kịch nổi tiếng những năm 70 của Thế kỷ trước được Nhà hát trình diễn nhiều lần trong năm 2015 này được đánh giá là một vở kịch mang đậm phong cách diễn truyền thống của Nhà hát từ khi thành lập đến nay: Lịch lãm, uyên bác và nhẹ nhàng.
Qua chặng đường dài hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, nhiều tác phẩm sân khẩu của Nhà hát kịch Hà Nội đã phản ánh một cách sinh động những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hôm nay. Bên cạnh đó là những vở diễn về đề tại lịch sử dân tộc mang vóc dáng tầm cỡ sử thi, hiệu quả nghệ thuật cao, dàn dựng một cách công phu, có giá trị giáo dục, nhận thức cho lớp khán giả trẻ hôm nay như vở kịch Tình sử ngàn năm, Hòn đảo Thần vệ nữ…
Và một đội ngũ hùng hậu những nghệ sĩ tài hoa, tâm huyết
Lớp lớp nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội đã kề vai sát cánh bên nhau, kẻ trước, người sau, kế tục, phát triển để làm lên một thương hiệu kịch nói Hà Nội. Đến bây giờ người ta vẫn nhắc đến những cái tên Hoàng Cúc, Minh Vượng như một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch Việt Nam với vai Kiều Nhung trong vở kịch Vở chồng dởm (Minh Vượng), vai Hoàng Hậu trong vở Hămlet (Hoàng Cúc). Nối gót những thế hệ đi trước là đội ngũ những nghệ sĩ lừng danh như Minh Hòa, Hoàng Dũng, Thu Hà, Trần Đức với những vai diễn để đời…Kế đến là những Trung Hiếu, Công Lý, Chu Hùng, Kiều Thanh, Đức Quang…Đó là một lớp trẻ năng động, thông minh và sáng tạo, được tiếp cận đầy đủ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng như những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Họ, cùng với tập thể cán bộ, diễn viên, nhạc công Nhà hát luôn một lòng hướng về sân khấu, cống hiến cho sân khấu, để kịch nói Hà Nội mãi là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô.
Một năm gặt hái thành công
Năm 2015 là một năm ghi dấu nhiều thành công của Nhà hát kịch Hà Nội với việc đi lưu diễn từ Âu sang Á, đem kịch nói Việt Nam đi giới thiệu với bạn bè năm Châu và Kiều bào xa Tổ quốc. Trong năm 2015, Nhà hát đã biểu diễn được 126 buổi tại các rạp của Thủ đô, với hơn 63 nghìn lượt người xem, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của ngành VHTT, của Thành phố, đem kịch Thủ đô đi đến miền núi và biên giới, hải đảo xa xôi. Vui hơn nữa là Nhà hát tham dự Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2015 đạt Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho 2 vở diễn Bỉ vỏ và Điệp khúc vi rút, nhiều diễn viên giành Huy chương Vàng, Bạc cá nhân. Năm 2015, Giám đốc Nhà hát – NSND Hoàng Dũng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, có 02 NS được phong tặng NSND. Sắp tới, Nhà hát sẽ vinh dự được nhận cờ thi đua xuất sắc của Thành phố và của Bộ VHTTDl.
Vở diễn Cát bụi
Thanh Quy