Lễ hội

Kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống đền Kim Liên

Chiều 23/4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý và chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống đền Kim Liên (phường Phường Liên, quận Đống Đa).

Chính Hội đền Kim Liên diễn ra vào ngày 24/4 (tức ngày 16 tháng 3 âm lịch)
Năm nay, Lễ hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn – đền Kim Liên được UBND phường Phương Liên tổ chức trong 2 ngày 23-24/4/2024 (tức ngày 15-16 tháng 3 âm lịch) tại di tích Quốc gia đặc biệt đền Kim Liên, trong đó chính Hội sẽ diễn ra vào ngày 24/4.
Đền Kim Liên là di tích quốc gia đặc biệt thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, được vua Lê Tương Dực cho xây dựng năm 1509 để thờ thần Cao Sơn Đại Vương, tương truyền là con trai quốc tổ Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ. Đây là một trong “Thăng Long tứ trấn” – trấn phía Nam của Kinh thành Thăng Long xưa.
Ngoài các giá trị đặc sắc về kiến trúc, tại đền Kim Liên hiện còn lưu giữ nhiều di vật hết sức quý giá như tấm bia đá khắc bài văn bia do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, 39 đạo sắc phong của nhiều đời vua nhằm ghi nhận, ca tụng công lao của thần Cao Sơn… Đây là những di vật đặc biệt giá trị, đồng thời cũng là những “cuốn sử biên niên” ghi chép đầy đủ lịch sử xây dựng, vị thần thờ phụng trong đền, đồng thời minh chứng cho sự ra đời của ngôi đền.
Hàng năm, Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch (ngày sinh của Đức thần Cao Sơn), nhằm tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn tới vị thần có công với nước được Nhân dân tôn thờ.
Đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội đền Kim Liên
Ông Trần Vũ Đại – Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết, ngày 12/3/2024 UBND phường Phương Liên đã xây dựng Kế hoạch số 68/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt Đền Kim Liên; có văn bản gửi quận Đống Đa xin ý kiến về việc tổ chức lễ hội; thành lập Ban tổ chức lễ hội… Cho đến chiều nay, công tác chuẩn bị cho chính Hội diễn ra vào ngày mai đã hoàn tất, các lực lượng được phân công đã sẵn sàng… Năm nay, lễ hội đền Kim Liên sẽ có nghi thức khởi kiệu, rước kiệu tại khu vực xung quanh di tích. Do đó, phường đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ BTC lễ hội trong công tác đảm bảo về an toàn giao thông, an ninh trật tự, tránh ùn tắc; đảm bảo an toàn về điện, phòng chống cháy nổ… BTC cũng lên 2 phương án rước kiệu để đảm bảo rước an toàn, tránh ùn tắc giao thông, có sơ đồ rước, vị trí kiệu dừng, cung đường đi… Đồng thời, phường cũng đã bố trí 3 điểm trông xe gồm: Ô đất trống số 6 là khu vực gửi xe ô tô; Cổng trường Phương Liên là khu vực gửi xe máy; Trước giếng Ngọc là khu vực dành cho xe của đại biểu. Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích cũng đã rà soát lại toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu, BTC yêu cầu đơn vị nấu cỗ phải ký cam kết, rõ nguồn gốc thực phẩm.
“Riêng với phần lễ diễn ra vào 8h30 sáng ngày 24/4 sẽ do Nhà hát Tuồng trung ương thực hiện tuyên Chúc văn và diễn màn sử thi về Thần tích Cao Sơn Đại Vương. Ngoài ra, trong chương trình còn có màn biểu diễn Trống hội Thăng Long, múa Cờ hội,… 20h00 tối nay sẽ diễn ra chương trình ca múa nhạc, văn nghệ quần chúng tại đầu ngõ 198 Xã Đàn chào mừng lễ hội đền Trung Tự (đã diễn ra sáng nay 23/4) và lễ hội đền Kim Liên” – ông Trần Vũ Đại cho biết thêm.
Công tác chuẩn bị cho chính Hội đền Kim Liên đã cơ bản hoàn tất

Tại buổi kiểm tra có thể thấy, công tác chuẩn bị cho chính Hội đền Kim Liên đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra cũng lưu ý về công tác phòng chống cháy nổ, hệ thống điện, khu vực thắp hương… BTC cần có phương án phân luồng giao thông từ xa, đặc biệt là trong quá trình tổ chức rước kiệu nhằm tránh ùn tắc. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cần phải đảm bảo… Ngoài ra, Đoàn cũng lưu ý thêm về công tác tuyên truyền, thông tin bằng loa đài ứng xử văn minh tại lễ hội, đồng thời tuyên truyền những điều cần lưu ý, nhắc nhở người dân về chiêm bái cần tuân thủ thực hiện nghiêm túc…

Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức hàng năm nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống địa phương, phản ánh nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được các thế hệ trân trọng, giữ gìn và trao truyền tiếp nối. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của thành phố Hà Nội, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và giữ gìn thuần phong mỹ tục của vùng đất phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa.
Bảo Hân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *