Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì, tiến hành kiểm tra tại huyện Chương Mỹ về việc triển khai, thực hiện Chương trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham gia Đoàn kiểm tra có lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố.
Văn hóa và con người là nguồn lực quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của địa phương
Xác định văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là nguồn lực mới quan trọng, trực tiếp quyết định sự phát triển bền vững của huyện; thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội; huyện uỷ Chương Mỹ đã ban hành Chương trình số 09-CTr/HU, ngày 18/3/2021 về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Chương Mỹ – Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, để cụ thể hóa định hướng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ, Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy, huyện ủy Chương Mỹ đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 31-NQ/HU, ngày 15/9/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn huyện Chương Mỹ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″; các đề án, kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Chương Mỹ – Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, HĐND huyện đã ban hành 04 Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng; 20 Nghị quyết về phê duyệt chủ trương, phê chuẩn kế hoạch đầu tư các dự án đầu tư công lĩnh vực y tế, văn hoá, giáo dục hàng năm và giai đoạn.
Huyện Chương Mỹ đã xây dựng 21 chỉ tiêu để triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy; trong đó có 11 chỉ tiêu trong Chương trình số 09-CTr/HU, huyện đã cụ thể hoá theo các chỉ tiêu trong Chương trình và Kế hoạch của Thành phố. Tính đến hết năm 2022: Đối với 10 chỉ tiêu cụ thể hoá theo Chương trình của Thành phố: Có 04 chỉ tiêu kết quả thực hiện vượt chỉ tiêu giao trong Chương trình số 06; 05 chỉ tiêu đạt từ 80% – 93% so với chỉ tiêu giao trong Chương trình 06; 01 chỉ tiêu đạt 60% so với chỉ tiêu giao trong Chương trình 06.
Đối với 11 chỉ tiêu còn lại trong Chương trình số 09-CTr/HU của Huyện uỷ: Có 02 chỉ tiêu kết quả thực hiện vượt chỉ tiêu giao trong Chương trình; 02 chỉ tiêu đạt 100% so với chỉ tiêu giao; 04 chỉ tiêu kết quả đạt từ 95-98% so với chỉ tiêu giao; 03 chỉ tiêu kết quả đạt từ 33-74% so với chỉ tiêu giao trong Chương trình.
Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huyện đã tập trung triển khai Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử thành phố Hà Nội được quan tâm chỉ đạo. dựng đời sống văn hóa cơ sở: Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện 02 quy tắc ứng xử thành phố Hà Nội được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, chỉ đạo tổ chức vận động, đăng ký thực hiện chỉ tiêu xây dựng các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng quy trình, thời gian; triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã có 4.196/4238 đám cưới (đạt 99%), 3.763/3.814 đám tang (đạt 98,6%), trong đó tỷ lệ hỏa táng đạt 52%) thực hiện theo nếp sống văn minh.
Kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã đóng góp tích cực trong việc cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân thông qua đạt chuẩn tiêu chí về văn hóa. Đến nay, 30/30 xã và Huyện đã đạt chuẩn Nông thôn mới, 05 xã đạt Nông thôn mới nâng cao, ước năm 2023, huyện có thêm 06 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã tiến hành xây dựng mới 12 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nâng tổng số toàn huyện có 194/208 thôn, tổ dân phố đã có nhà văn hoá, còn 14 thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hoá. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng. Huyện đã kiểm tra cho phép sửa chữa nhỏ chống xuống cấp, bảo vệ di tích bằng nguồn xã hội hóa đối với 23 di tích; tiến hành kiểm tra, khảo sát thực trạng các di tích xuống cấp và lập danh mục đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo 56 di tích giai đoạn 2022-2025; hoàn thiện hồ sơ, tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương án tu bổ, tôn tạo đối với 33 di tích; Đề nghị xếp hạng cấp Thành phố với 3 di tích, đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đối với di tích đình Hạ; Hướng dẫn quản lý, tổ chức thành công 50 lễ hội truyền thống đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.
Cũng theo báo cáo của huyện, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa của Chương Mỹ luôn được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng cả về chất lượng và số lượng. Các công trình văn hoá, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, hưởng thụ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Việc triển khai Chương trình đã được tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phục hồi kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhà văn hóa thôn, thiết chế thể thao, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử xuống cấp còn chậm. Cơ sở vật chất trong các trường học, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư, xây dựng đúng mức. Chất lượng các chỉ tiêu về phát triển văn hoá chưa bền vững, nhất là chỉ tiêu về giáo dục. Trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất trong các trường học, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư, xây dựng. Đội ngũ giáo viên, y bác sỹ, nhân viên y tế còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều tiềm năng, lợi thế cần quan tâm đầu tư chuyên sâu
Tại buổi làm việc, các Sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Văn hóa – Xã hội… đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, các giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch; tập trung triển khai các tuyến du lịch làng nghề, khai thác giá trị di tích; việc khoanh vùng di tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh đề nghị huyện cần nêu rõ các mục tiêu phấn đấu về số lượng di tích đề nghị xếp hạng; số lượng buổi biểu diễn; đầu tư phát triển văn hóa đọc với số thư viện, số đầu sách… Trong xây dựng mô hình Gia đình văn hóa gắn với bộ tiêu chí ứng xử cần tăng cường hiệu quả, đi vào thực chất, cụ thể như Gia đình hiếu học, Gia đình làm kinh tế giỏi, Gia đình gìn giữ và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa…; Chú trọng xây dựng thôn, làng, TDP văn hóa quan tâm đến chất lượng. Riêng về lĩnh vực di sản, bà Trần Thị Vân Anh đề nghị huyện hết sức lưu ý, quan tâm bởi huyện có số lượng di tích lớn, 374 di tích (số liệu năm 2016); huyện cần tiếp tục rà soát, kiểm kê, lên danh mục di tích, xác định di tích đề nghị xếp hạng… Đây chính là sản phẩm phục vụ cho điểm đến, điểm du lịch, quảng bá về mảnh đất và con người Chương Mỹ. Đặc biệt, huyện cũng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, bố trí đầy đủ, phù hợp…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trung Hiếu cũng khẳng định, Chương Mỹ là một huyện có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, triển khai các tuyến du lịch làng nghề, khai thác giá trị di tích. Ông Trần Trung Hiếu đề nghị huyện tập trung rà soát các địa điểm có tiềm năng để công nhận điểm du lịch cấp Thành phố; Tăng cường nguồn lực đầu tư, đào tạo nhân lực, trình độ hướng dẫn viên… nhằm thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Kết luận tại buổi kiểm tra, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chỉnh quyền và Nhân dân huyện Chương Mỹ trong triển khai, thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy, đồng thời nêu lên những khó khăn, bất cập hiện có tại địa phương để cùng đưa ra phương hướng, giải pháp tháo gỡ. Trong đó đồng chí Nguyễn Doãn Toản đề nghị huyện tổng rà soát lại các chỉ tiêu nhiệm vụ, đặt định hướng, lộ trình để phấn đầu hoàn thành đúng thời hạn; chỉ rõ khó khăn, trở ngại đến từ đâu, nguồn lực hay con người để có những điều chỉnh, khắc phục tồn tại hay định hướng ưu tiên phù hợp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cho từng năm, thực hiện phân công nhiệm vụ kết hợp với thường xuyên kiểm tra đôn đốc…
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản cũng đề nghị huyện Chương Mỹ tiếp tục tập trung quan tâm đầu tư chuyên sâu cho các lĩnh vực. Ví dụ như văn hóa, cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn, đóng góp nhiều sáng kiến, kinh nghiệm về phát triển văn hóa ở cơ sở, đồng thời tăng cường cán bộ cho những nơi còn khó khăn; quan tâm tới công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý di tích… để nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di sản; phát huy hiệu quả hệ thống hương ước, quy ước… góp phần bồi đắp, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tô Nga