Đổi giấy lấy cây tại Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Từ sáng sớm, em Nguyễn Đình Huy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã có mặt trong dòng người nối dài xếp hàng đổi giấy lấy cây tại sảnh Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Háo […]
Đổi giấy lấy cây tại Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).
Từ sáng sớm, em Nguyễn Đình Huy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã có mặt trong dòng người nối dài xếp hàng đổi giấy lấy cây tại sảnh Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Háo hức đợi đến thứ bảy, chủ nhật để tham gia sự kiện này, Huy mang vài cân giấy báo thu gom được, đổi lấy một chậu xương rồng. Huy cho biết, em sẽ đặt chậu cây nhỏ xinh này trên bàn học và tiếp tục gom giấy để đổi cây trong những lần sau.
Biết đến dự án “Đổi giấy lấy cây” qua Facebook, bản thân Huy tích cực thu gom giấy vụn, sách báo trong nhà và chia sẻ thông tin về dự án với bạn bè, cùng nhau gom giấy báo, sách, vở, vỏ hộp sữa, vỏ nhựa sữa chua đã qua sử dụng, làm sạch, phơi khô… Cứ ba cân giấy phô-tô, giấy vở học sinh đã qua sử dụng, các em đổi được một sao; năm cân sách giáo khoa, sách đọc, bìa tạp chí… đổi được năm sao; ba cân nhựa đổi được một sao… các em sẽ đổi được cây tương đương với số sao mình có. Tuy chưa hiểu hết những tác động của việc bảo vệ môi trường từ thu gom nhựa, phân loại pin, thiết bị điện tử hỏng… nhưng Huy cho biết, em sẽ rủ thêm bạn bè tham gia hoạt động này, vì đây là hoạt động tập thể vì môi trường xanh – sạch – đẹp.
Dự án “Đổi giấy lấy cây” do Hoàng Quý Bình, sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội sáng lập. Trong chín tháng thực hiện tại Hà Nội, với gần 20 lần đã được tổ chức, chia sẻ hàng nghìn bài viết về môi trường và các giải pháp sống xanh trên Facebook, dự án xã hội phi lợi nhuận về môi trường này thu hút được sự quan tâm của xã hội. Ý tưởng và hành động của các bạn trẻ yêu môi trường được xã hội đón nhận và hưởng ứng. Vì vậy, sự kiện thường xuyên được tổ chức tại nhiều địa điểm linh hoạt trong thành phố, hướng tới cụm dân cư và doanh nghiệp… nhằm tác động vào nhận thức, thay đổi quan điểm và nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Trong tháng 8, sự kiện đã được tổ chức ở phố Duy Tân, quận Cầu Giấy và phố Minh Khai, quận Hoàng Mai. Trong tháng 9, sự kiện tiếp tục được tổ chức tại Vincom Nguyễn Chí Thanh và dự kiến tổ chức tại sân trung tâm Trường đại học Dược, quận Hoàn Kiếm tuần cuối tháng. Dự án thu hút rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên làm cộng tác viên. Từ cân phế phẩm đến phát sao, phân loại giấy, trồng cây vào chậu… mỗi việc làm nhỏ trong dự án “Đổi giấy lấy cây” đều rất ý nghĩa, giúp lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường. Giấy, vở học sinh đã qua sử dụng, sách giáo khoa, sách đọc, truyện, báo, tạp chí, bìa, nhựa, vỏ lon, và vỏ bằng giấy của các loại hộp sữa, hộp trái cây, hộp sữa chua đã làm sạch và phơi khô, pin và thiết bị điện tử hỏng… đều có thể đổi sang những loại cây tương ứng và các sản phẩm thân thiện với môi trường… Những loại cây xanh trong dự án “Đổi giấy lấy cây” phần lớn là cây nhỏ, có sức sống tốt như xương rồng, hoa đá… phù hợp với nhiều môi trường sống. Đều đặn sau mỗi sự kiện được tổ chức, trung bình mỗi tháng, nhóm thu về hơn năm tấn phế phẩm. Từ đó, nhóm tiến hành phân loại, vỏ hộp sữa sẽ chuyển về đơn vị chuyên tái chế hộp sữa tại Quảng Bình, Bình Dương; giấy, báo chuyển về nhà máy giấy ở Bắc Ninh; nhựa, lon, kim loại chuyển về nhà máy ở Hưng Yên. Pin và thiết bị điện tử phải được xử lý đặc biệt để hạn chế tác hại tới môi trường cho nên toàn bộ số pin sẽ được chuyển cho chương trình Việt Nam Tái chế để xử lý, đồng thời nhóm cũng khuyến khích và hướng dẫn mọi người tự thu gom pin và chuyển đến các địa điểm tiếp nhận, hạn chế sử dụng túi ni-lông. Những cuốn truyện, cuốn vở còn dùng được sẽ gửi tặng cho các em nhỏ vùng cao. Nhóm phối hợp các đơn vị, tổ chức, câu lạc bộ, dự án về sách để tặng số sách, truyện… Không những thế, hoạt động của nhóm còn góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải… Sau gần tám tháng triển khai, gần 150 tủ sách đã được xây dựng, và góp thêm 500 cuốn sách vào thư viện cộng đồng “Mượn sách bằng đặt cọc niềm tin” cũng do Hoàng Quý Bình sáng lập… Chia sẻ về dự án “Đổi giấy lấy cây”, Hoàng Quý Bình cho biết: Từ những phế phẩm thu được, chúng mình có thể xây dựng được nhiều tủ sách vùng cao, hạn chế rác thải và góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn, dự án truyền cảm hứng về môi trường “Đổi giấy lấy cây” đang góp phần thay đổi thói quen, nếp nghĩ về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay, từ đó sẽ hình thành một cộng đồng với lối sống tích cực, có những hành động cụ thể góp phần bảo vệ môi trường.
Theo báo Nhân dân