Người dân lấy nước uống từ cây lọc nước thông minh, tại Công viên 19/8, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ những bình nước uống miễn phí… 16h30, giữa cái nắng hầm hập của chiều hè oi ả, chị Phan Thị Huyên (quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) ghé chiếc […]
Từ những bình nước uống miễn phí…
16h30, giữa cái nắng hầm hập của chiều hè oi ả, chị Phan Thị Huyên (quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) ghé chiếc xe đạp cũ vào trước số nhà 65 phố Hàng Bông để lấy nước uống và chiếc bánh mì. Mặc dù khá mệt mỏi sau một ngày bươn chải vất vả nhưng gương mặt chị Huyên trở nên tươi tắn khi kể câu chuyện của mình: “10 năm lên Hà Nội bán hoa quả cũng là chừng đó năm tôi được uống nước miễn phí ở đây. Nước uống rất sạch, chưa bao giờ tôi bị đau bụng. Mấy năm gần đây tôi và nhiều người còn được ăn bánh mì và cả bơm xe miễn phí. Nhờ thế mà mỗi ngày những người lao động ngoại tỉnh như tôi tiết kiệm được 15 – 20 nghìn đồng để dành dụm cho gia đình ở quê. Tôi cảm ơn rất nhiều tấm lòng hảo tâm của ông chủ nhà này!”.
Chị Huyên là một trong rất nhiều người lao động ngoại tỉnh hằng ngày mưu sinh trên những nẻo đường Thủ đô thời gian qua đã nhận được sự sẻ chia đầy tình người của những nhà hảo tâm bình dị. Một trong số đó là anh Trương Thanh Đức, chủ nhân bình nước kèm túi bánh mì và bơm xe miễn phí tại số 65 Hàng Bông. Anh Đức kể, từ 10 năm trước, thấy nhiều người bán hàng rong, xe ôm hằng ngày phải mưu sinh vất vả giữa nắng hè, anh quyết định đặt bình nước miễn phí sát lề đường để họ có nước uống cho qua cơn khát. Thời gian đầu còn tỏ ra ngại ngần, giờ thì rất nhiều người đã tới uống nước rồi còn hứng vào chai mang đi. 4 năm nay anh Đức mở thêm thùng bánh mì kèm chiếc bơm tay miễn phí để hỗ trợ thêm cho những người lao động nghèo. Những ngày nắng nóng này, hôm nào cũng phải thay vài bình nước nhưng anh Đức rất vui bởi điểm nước uống miễn phí nhà mình đã trở thành địa chỉ thân quen của nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Niềm vui giản dị của anh Đức cũng là tâm trạng của ông Thái Thạch Cương ở số nhà 138 phố Nguyễn Lương Bằng, khi ngày nào ông cũng mấy lần thay bình nước mới để phục vụ miễn phí cho người qua đường suốt 5 năm qua. Ngoài địa chỉ nhà anh Đức và nhà ông Cương, gần đây trên địa bàn thành phố đã có thêm nhiều điểm uống nước miễn phí khác được mở ra để phục vụ người lao động nghèo, như ở số 139/12 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình), số 582 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), số 9 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), 17 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy)… Sự hiện diện ngày càng nhiều những bình nước miễn phí này đã cho thấy truyền thống nhân văn, nhân ái của người Hà Nội đang ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong cộng đồng.
… tới những trụ nước công cộng hiện đại, văn minh
Cuối tháng 6 vừa qua, sự có mặt của những cây lọc nước thông minh miễn phí khiến bao người qua lại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ cảm thấy hào hứng. Ngày nào cũng tới vườn hoa Lý Thái Tổ để tập khiêu vũ, chị Thanh Vũ (ở 42 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trước kia tôi và các bạn trong Câu lạc bộ khiêu vũ Hồ Gươm thường mang nước từ nhà, nay có trụ nước thông minh này chúng tôi có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Mong sao mọi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi lấy nước, san sẻ nguồn nước cho nhiều người”. Chị Lý Thanh Loan, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Tôi thấy rất nhiều du khách, kể cả người nước ngoài, uống nước ở đây. Hà Nội trang bị những cây nước uống miễn phí như thế này là rất văn minh, tiện lợi”.
Cùng với những bình nước từ thiện của người dân, hệ thống cây nước thông minh miễn phí lắp đặt tại vườn hoa Sơn Tây (ngã tư Tràng Thi – Quang Trung), vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Cách mạng Tháng Tám, vườn hoa Pasteur, chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân… đã tô điểm thêm hình ảnh Hà Nội thân thiện, hiếu khách và văn minh.
Nhân lên nét đẹp người Hà Nội
Trong cuốn Hà Nội thanh lịch, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy viết: “Khách ở quê khi đi vào thành phố, luôn có thể tìm được bên đường có một vại nước vối ngon với mấy cái bát sạch được để sẵn. Chính vì thế mà người Tràng An, người Hà Nội vốn nổi tiếng là thanh lịch”. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn nhớ mãi những hình ảnh đẹp hồi quãng giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, vào dịp Quốc khánh 2-9 các gia đình người Hà Nội lại bảo nhau đun nồi nước trà xanh hay nụ vối để trước cửa dành cho những người từ các tỉnh về Thủ đô tham quan, xem duyệt binh. Nét thanh lịch và sự chia sẻ đầy tình người ấy cũng là một ký ức đẹp của Nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết: “Thời ấy nghèo nhưng tình người lúc nào cũng đong đầy”.
Giờ đây, chứng kiến những điểm uống nước miễn phí, một nghĩa cử thầm lặng của nhiều người dân Thủ đô cũng như sự ra đời của những cây nước uống thông minh, hiện đại phục vụ đông đảo người dân cũng như du khách, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết có chung nhận định: Những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, truyền thống “tương thân tương ái” của người Hà Nội vẫn không ngừng lan tỏa, dù cuộc sống có bộn bề đến mấy. Còn bà Dương Thị Sâm (số 63 Hàng Bông) thì vui vẻ nói: “Với nhiều người, một cốc nước, một tấm bánh chẳng đáng gì nhưng với những người nghèo đó là món quà quý, bằng biết bao chắt chiu. Hằng ngày chứng kiến rất nhiều người nghèo tới uống nước, ăn bánh rồi bơm xe miễn phí với nét mặt hoan hỷ, tôi mới thấm thía một điều rằng tình người thực sự ấm áp biết bao”.
Nghĩa cử bình dị của người dân cũng như những nỗ lực cụ thể của các cấp, ngành của thành phố đã góp phần làm cho Hà Nội ngày càng trở thành một điểm đến thân thiện, tin cậy đối với người dân cả nước và du khách quốc tế.